Đây là khẳng định của ông Trần Minh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải khi nhận định về sự phát triển của ngành hàng không trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
15:15, 10/04/2019
00:27, 18/02/2019
12:00, 19/12/2018
00:30, 14/12/2018
06:09, 13/08/2018
Tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á.
Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.
Cùng nhận định tích cực về xu hướng này, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt tăng trưởng bền vững" mới được tổ chức chiều nay (11/4) tại FLC Quy Nhơn, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 - 2018, về số lượng tàu bay, năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu. Còn hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần, lên 192 tàu. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Liên quan đến đội tàu bay, tôi muốn cung cấp thêm một số liệu nữa. Đó là năm 2008, tàu bay sở hữu của chúng ta chỉ có 29 tàu, còn lại là tàu đi thuê. Con số này hiện nay là 57 tàu bay sở hữu.
“Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008”, ông Hảo nói.
Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…. Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững.
Ông Đỗ Đức Tú- đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ví dụ thể nhất minh chứng cho sự phát triển nóng của hàng không là ở Tân Sơn Nhất.
“Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải. Có lần tôi đi Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trên máy bay vô cùng sốt ruột khi phải bay vòng cả tiếng trên trời để chờ hạ cánh”, ông Tú nói.
Hàng không sẽ "phát triển nóng" đến hết 2020
Ông Trần Minh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư cho biết Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không. Chúng tôi dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020.
“Tất nhiên, đây là con số mang tính chất dự đoán, là cơ sở, định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không để chúng ta đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Phương nói.
Theo đánh giá của ông Tú sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định. Theo đó, mặt tích cực của sự phát triển này là vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không.
“Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải”, ông Tú đưa ra lưu ý.
Thêm vào đó, theo ông Tú vấn đề con người cũng là một trong những vấn đề khiến các hãng hàng không lo lắng.
“Các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Tú nói.