Cơ quan chức năng xác định, ba đời lãnh đạo VEAM cho vay, bảo lãnh khoản vay và quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động không đúng quy định pháp luật gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng…
Cụ thể, theo kết luận điều tra, năm 2015, bị can Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có quyết định cá nhân về chủ trương phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka mà không có nghị quyết của Hội đồng thành viên, không tuân thủ các quy định pháp luật, gây thiệt hại lớn tài sản của nhà nước.
Cụ thể, bị can Hà trực tiếp ký kết biên bản ghi nhớ với đối tác của Trung Quốc, trực tiếp phê duyệt trái thẩm quyền tờ trình và ký lệnh chi, chuyển cho đối tác 400.000 USD không được Hội đồng thành viên VEAM phê duyệt là trái quy định pháp luật cũng như quy định của Tổng công ty. Số tiền này đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng cho VEAM.
Ngoài ra bị can Hà còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký một số hợp đồng khác có nhiều sai phạm gây thất thoát hơn 56 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận điều tra, từ năm 2007 đến năm 2013,VEAM đã 6 lần bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng và cho công ty này vay tiền nhiều lần trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.
Tính đến ngày 31/12/2018, Vetranco không thanh toán được cho VEAM tổng số 216 tỷ đồng, gồm 4 khoản: gần 76 tỷ đồng do Veam bảo lãnh và cho vay trái quy định; 71,5 tỷ đồng mua hàng trả chậm; cho vay vốn kinh doanh hơn 60 tỷ đồng và khoản tiền do Veam cho Vetranco vay đầu tư ngắn hạn 8 tỷ đồng.
Ở khoản tiền 76 tỷ đồng cho vay và bảo lãnh vay trái quy định nêu trên, ông Nguyễn Thanh Giang, nguyên Tổng giám đốc VEAM đã ký 2 văn bản bảo lãnh 2 khoản vay của Vetranco với BIDV và VietinBank, tổng trị giá 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai khoản vay này không phát sinh bảo lãnh. Sau thời ông Giang, ông Lâm Chí Quang giữ chức vụ Tổng giám đốc VEAM tiếp tục ký 5 văn bản bảo lãnh các khoản vay của Vetranco với tổng số tiền bảo lãnh lên tới 193 tỷ đồng.
Sau đó, do Vetranco không trả được các khoản vay nên VEAM buộc phải dùng nguồn tiền của chính Tổng công ty trả ngân hàng gần 76 tỷ đồng. CQĐT xác định, người phải chịu chính với số tiền thất thoát này là ông Lâm Chí Quang, còn ông Trần Ngọc Hà đóng vai trò đồng phạm.
Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 8/2013, ông Lâm Chí Quang đã ủy quyền cho Ngô Văn Tuyến, Phó tổng giám đốc VEAM đại diện ký 3 hợp đồng mua bột nhựa, hạt nhựa của Công ty Bách Việt có tổng giá trị gần 82 tỷ đồng rồi bán lại cho Vetranco với giá 83,5 tỷ đồng nhưng cho trả chậm (còn nợ 71,5 tỷ đồng). Sau đó, Vetranco tiếp tục ký hợp đồng bán toàn bộ số hàng cho các công ty của bị can Trần Quang Tiến (Công ty CP Đầu tư Minh Quang, Công ty CP thép Minh Quang, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Tương Lai) với giá 84,1 tỷ đồng, hình thức trả ngay một phần, còn lại trả chậm 90 ngày.
Quá trình điều tra, công an phát hiện các thủ đoạn trên thực chất là việc mua bán lòng vòng để trục lợi. Bởi trước đó, Công ty Bách Việt đã ký hợp đồng mua bán số hàng này của chính các công ty do Trần Quang Tiến làm chủ và dùng số tiền nhận từ Vetranco để thanh toán.
Cụ thể, từ các nguồn vốn do VEAM bảo lãnh và cho vay trái quy định còn dư nợ gần 76 tỷ đồng; VEAM bán hàng trả chậm còn dư nợ 71,5 tỷ đồng…, Vetranco đã nhiều lần cho Trần Quang Tiến vay để hưởng lãi theo lãi suất cho vay của ngân hàng cộng với chênh lệch từ 0,8% - 1,25% giá trị tiền vay.
Nhằm che giấu việc cho vay tiền trái quy định, các bị can đã thỏa thuận hợp thức bằng cách ký 15 hợp đồng khống mua bán hàng hóa, bao gồm cả thương vụ mua bột nhựa, hạt nhự trên. CQĐT xác định, hiện các công ty của Trần Quang Tiến đã dừng hoạt động, không còn tài sản, không thể trả tiền cho Vetranco, gây thiệt hại cho nhà nước gần 183 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm