Lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, dự án luật này sẽ tác động rất lớn, tới mọi người dân trong xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Luật thuế Tài sản là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với quy định mức thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách.
Sẽ tác động rất lớn, tới mọi người dân
Có thể bạn quan tâm |
Liên quan tới Dự án Luật Thuế tài sản, tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu được thông qua, dự án luật này sẽ tác động rất lớn, tới mọi người dân trong xã hội.
"Tuy nhiên, như trong dự thảo, giá đất không lấy theo giá thị trường mà theo mức mà Ủy ban Nhân dân các tỉnh công bố hàng năm. Điều này phù hợp với quy định hiện tại. Với nhà, chúng tôi cũng không thể xác định một căn nhà thực tế xây hết bao nhiêu tiền vì mỗi nhà mỗi khác. Bởi vậy, chúng tôi căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân mà Bộ Xây dựng ban hành, khoảng 7,3 triệu đồng/m2", ông Thi nói.
Theo ông Thi: "Với ví dụ về một nhà 100m2 đất nộp thuế bao nhiêu, tôi không có câu trả lời vì có nơi đất chỉ vài nghìn đồng mỗi m2, có nơi cao hơn, 100m2 vùng núi khác với những nơi khác, có nơi vùng sâu vùng xa có khi không phải nộp đồng nào".
Trước ý kiến tỏ ra lo lắng vì cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ làm gì để đảm bảo công bằng, ông Phạm Đình Thi nói: "Khi đặt bút nghiên cứu thì đúng là đây cũng là vấn đề chúng tôi đặt ra. Với đất, ta thừa kế dữ liệu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã ổn định khoảng 5 năm nay rồi. Còn với đất nông nghiệp, ta cho vào đối tượng không chịu thuế".
Theo ông Thi, với nhà, có thể căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà để xác định. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì có thể căn cứ vào thực tế đang sử dụng. Vấn đề là làm sao tính đủ, đây là câu chuyện khó. Nếu một người có nhà ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, làm sao biết chủ sở hữu. Hoặc ví dụ nhà người đó ở Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên người khác thì sao. Vấn đề này ta hiện chưa có cách gì.
"Theo tôi, quản lý nhà ở phải từng bước tuy nhiên nếu đòi hỏi ngành thuế làm được việc đó thì chắc là không", ông nói.
Không nộp được thì được... nợ thuế
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.
Để giải quyết vấn đề này, tại Điều 10 dự thảo Luật đã quy định cho phép chậm nộp tiền thuế như sau: Trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp tiền thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
"Thực tế, một số người chỉ có lương hưu trong khi ở trong căn nhà giá triệu USD. Căn nhà đó có thể kế thừa từ ông cha để lại. Với trường hợp ấy, thu nhập của họ chỉ đủ sống, không đủ tiền nộp thuế ngay được thì có thể nợ. Tất nhiên, những đề xuất này đưa ra để xin ý kiến và tiếp tục hoàn chỉnh, chúng ta còn thời gian dài", ông Thi cho biết.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị đánh thuế với nhà từ 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên thì những nhà có giá trị dưới mức này không bị đánh thuế, đó là người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 2.
Theo Bộ này, việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng,... sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.
Đồng thời, tạo tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quy định mức thuế suất thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
"Để phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14, đề nghị thực hiện theo phương án 2 (thuế suất 0,4%) và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng", Bộ Tài chính cho biết.