Đó là khẳng định của ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Thương mại khi nói về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam.
Theo ông Tuyển, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Dẫn số liệu của Oford Economics, ông Tuyển cho biết thương mại thế giới sẽ giảm 4% và GDP toàn cầu giảm 0,4% nếu cuộc chiến lan sang các nước khác.
Bên cạnh đó tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á được nhận định có thể giảm 1% nếu căng thẳng thương mại tiếp diễn. Tuy nhiên theo ông Tuyển, trong thách thức vẫn có những cơ hội nếu Việt Nam biết tận dụng.
Cụ thể đối với Việt Nam, ông Tuyển nhấn mạnh đến hai cơ hội lớn: Thứ nhất, nhiều sản phẩm Việt Nam giống Trung Quốc do vậy hoàn toàn có thể thay thế tốt sản phẩm của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
“Mỹ hiện nay chưa đánh thuế cao cho hàng hóa Việt Nam dù hiện xuất siêu hàng Việt vào Mỹ đang tăng lên. Việt Nam có thể là đồng minh tự nhiên của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh này. Đây là cơ hội lớn nhất”, ông Tuyển nhận định.
Cơ hội thứ hai ông Tuyển nói tới đó là việc dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là thị trường được tính đến để “thế chân”.
Trước tác động của cuộc chiến này, ông Tuyển cũng không quên đưa ra một số cảnh báo về thách thức mà Việt Nam phải đối đầu. Thứ nhất, đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến cho hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn, điều này giúp họ thuận lợi hơn trong các thị trường không bị áp thuế như châu Âu, Đông Nam Á…
“Phần nào đó hàng Trung Quốc có thể lấn át hàng Việt tại các thị trường này”, nguyên Bộ trưởng Thương mại nhận định. Trong khi đó, chủ trương của Việt Nam là điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trên nguyên tắc bảo vệ giá trị đồng tiền.
Một thách thức khác theo ông Tuyển, đó là "không nên nhập hàng Trung Quốc về gia công rồi lấy xuất xứ 'made in Vietnam' xuất sang Mỹ... Làm vậy sẽ gánh chịu tác động khó lường". Ông Tuyển gọi cách làm này của doanh nghiệp là "tham lam" và nên tránh khi nhắc tới tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ông Tuyển cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần do Trung Quốc xuất siêu lớn vào Mỹ. Sâu xa hơn, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược để giữ vị trí siêu cường số 1 của Mỹ và giành vị trí này. Vì thế, cuộc chiến sẽ khó dừng sau một vài đợt đàm phán.
Dẫn tính toán của các chuyên gia quốc tế, ông cho hay, cứ 100 tỷ USD đánh thuế trong xung đột thương mại, kinh tế thế giới giảm 0,14% tăng trưởng và thương mại giảm 4%. Đây là nguyên nhân dự báo kinh tế 2019 sẽ "không đẹp như năm 2018".
Với Việt Nam, theo ông, doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang những nơi này.
Cùng quan điểm, Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng lo ngại Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành sân sau của Trung Quốc, tiếp tay cho các doanh nghiệp nước này trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ khi dán nhãn "made in Vietnam".
"Lực lượng doanh nghiệp Việt quá yếu, chưa có trụ cột trong khi môi trường kinh doanh kém phẳng, cơ cấu kinh tế trì trệ nhiều năm... là những thách thức không dễ gì vượt qua", ông Thiên nhận xét.
Ngoài ra, ông Trần Đình Thiên cũng thừa nhận ngoài cơ hội thì khó khăn cũng rất nhiều với Việt Nam trong cuộc xung đột giữa hai cường quốc này.
Theo ông Thiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam do đây là 2 đối tác thương mại lớn nhất ở cả hai chiều. "Việt Nam lâm vào thế lưỡng nan khi xu hướng tác động cả tích cực, tiêu cực đều rất mạnh", ông Thiên nhận xét.
Ông cũng lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy tỷ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi 11 tháng qua VND đã tăng 7% so với nhân dân tệ. Nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá, các ngành thuỷ sản, phân bón, sắt thép... sẽ gặp bất lợi vì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, trong khi nhập khẩu tăng và phải cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc tại thị trường nội địa.
Trong khi đó dệt may, ôtô, dược phẩm... được dự báo là những ngành hưởng lợi nhờ giá dầu giảm. Ngoài ra, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc cũng có tác động hai mặt. "Chưa thể lường hết tác động", ông Thiên kết luận.
Dẫu vậy, vẫn có những cơ hội lớn được mở ra từ cuộc chiến này, ông Thiên cho biết: “Nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao trong cuộc chiến này. Tôi cho rằng, chắc chắn sẽ có cơ hội. Thậm chí, có thể cuộc đấu này có thể sẽ là cơ hội lớn đế bứt khỏi sự phụ thuộc kinh tế, cũng sẽ là cơ hội “kiếm ăn”. Nhưng điều quan trọng ở đây là đừng mải mê nhặt nhạnh những cơ hội nhỏ nhặt mà hãy coi đây là cơ hội mang tính lịch sử, phải tận dụng cơ hội này bằng thực lực và sự bài bản”, ông Thiên nói.
Cũng theo ông Thiên, nhiều dự báo về nguồn vốn đang rút khỏi Trung Quốc “chạy” sang Việt Nam. Tuy nhiên nếu nó thực sự đổ sang nhiều Việt Nam có hấp thụ được không, hay bội thực, đó là vấn đề cần được tính tới.
“Cũng phải nhận thấy rằng, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp châu Âu… mà còn cả luồng vốn từ doanh nghiệp Trung Quốc chạy sang. Như vậy Việt Nam đứng trước cơ hội lựa chọn các dự án đầu tư. Nếu có năng lực thì rất tốt. Còn ngược lại thì đáng e ngại”, ông Thiên nhận định.