Mỹ vừa công bố chính sách thuế mới đối với xe hơi nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực từ cuối tuần, đẩy các nhà sản xuất xe hơi châu Á vào tình trạng lao đao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với các dòng xe “không sản xuất tại Mỹ”. Tin tức này giáng một đòn mạnh lên các hãng xe Châu Á. Cổ phiếu Toyota (Nhật Bản) giảm 9,4% trong 3 phiên giao dịch sau thông báo. Nissan (Nhật Bản) giảm 9,3%, còn Hyundai (Hàn Quốc) giảm 11,2%.
Theo đánh giá của Vivek Vaidya, chuyên gia hàng đầu về xe hơi tại công ty nghiên cứu Frost & Sullivan, các hãng xe Nhật Bản sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, đặc biệt là Toyota vì thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số của hãng.
Trong khi đó, thông tin từ nền tảng mua bán xe hơi Carpro của Mỹ cho thấy, các nhà sản xuất xe hơi châu Á chiếm 6 trong số 8 thương hiệu có doanh số cao nhất tại Mỹ năm 2024. Toyota đứng đầu với 1,98 triệu chiếc được bán ra, thậm chí vượt qua các thương hiệu nội địa Mỹ như Ford và Chevrolet. Honda và Nissan lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5, trong khi Hyundai và Kia chiếm 2 vị trí tiếp theo. Subaru đứng ở vị trí thứ 8.
Các báo cáo tài chính gần đây của những công ty này cho thấy, phần lớn doanh thu của họ đến từ thị trường Bắc Mỹ. Tức là nếu họ muốn chuyển thị trường hoặc thực hiện các chiến lược khác để đối phó với thuế, thì phần bị thiếu hụt cũng khó bù đắp được.
Các hãng xe nổi tiếng của Hàn Quốc và Nhật Bản đều chưa đưa ra bình luận về chính sách thuế mới của Mỹ.
Số liệu từ Reuters chỉ ra rằng trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu lượng xe hơi trị giá 474 tỷ đô, trong đó xe du lịch chiếm 220 tỷ đô. Báo cáo của S&P Global Mobility ngày 27/3 tiết lộ rằng Hàn Quốc là nước xuất khẩu xe hơi lớn thứ hai vào Mỹ trong năm 2024 với 1,4 triệu chiếc, chỉ đứng sau Mexico với 2,5 triệu chiếc. Trong khi đó, Nhật Bản xuất khẩu 1,3 triệu chiếc xe sang Mỹ.
Những con số này cho thấy Mỹ là một thị trường không thể thay thế đối với các hãng xe châu Á. Do đó khi bị áp thuế xuất khẩu cao, những thương hiệu hàng đầu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu tác động rất lớn. Ngay cả khi họ muốn chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ để tránh thuế, việc di dời nhà máy không thể diễn ra ngay lập tức, đồng thời phải tiêu tốn hàng tỷ đô.
Richard Kaye, nhà quản lý danh mục đầu tư tại tập đoàn quản lý tài sản Comgest, nói rằng mặc dù Toyota và Nissan có cơ sở sản xuất tại Mỹ, nhưng họ không thể mở rộng đủ nhanh để bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan.
Với mức thuế mới, các hãng xe châu Á muốn bán xe tại Mỹ phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Khi ấy, họ hoặc đẩy chi phí này cho khách hàng, đồng nghĩa tăng giá xe, hoặc tự gánh chịu chi phí, đồng nghĩa lợi nhuận giảm. Đây sẽ là lựa chọn không hề dễ dàng.
Kaye nhận định rằng Toyota, với vị thế là hãng xe lớn nhất, có khả năng đối phó với thuế quan tốt hơn các đối thủ. Tuy nhiên, chắc chắn họ vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Trong cơn bão thuế quan, hãng xe Suzuki của Nhật Bản lại trở thành điểm sáng vì không bán xe tại Mỹ. Minh chứng là cổ phiếu của họ hoạt động tốt hơn so với các đối thủ. Tính đến 31/3, cổ phiếu Suzuki đã tăng hơn 1% từ đầu năm, trong khi Toyota mất 16,45% và Nissan giảm gần 21%. Hyundai và Kia cũng ghi nhận mức giảm lần lượt gần 7% và 8%.
Dữ liệu hải quan cho thấy xe hơi là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang Mỹ, chiếm 28,3% tổng giá trị xuất khẩu 2024. Trong khi đó, xuất khẩu linh kiện xe hơi của Hàn Quốc sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, với tổng giá trị 8,22 tỷ đô, chiếm 36,5% tổng xuất khẩu xe hơi của nước này.