“Để tiến tới đích du lịch bền vững, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cần có hành động cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra” - ông Lê Quốc Việt - CEO Santa Viet Nam chia sẻ.
Ông Lê Quốc Việt khẳng định, phát triển du lịch xanh, bền vững là xu thế tất yếu và đây chính là “chìa khóa” mở ra thành công cho ngành du lịch.
- Phát triển du lịch xanh là một xu hướng quan trọng của ngành du lịch nhưng không hề dễ dàng, thưa ông?
Có thể nói, du lịch xanh, du lịch bền vững đã dần trở nên quen thuộc, thậm chí được xác định là mục tiêu bắt buộc hướng đến với nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Theo nhiều thống kê của các tổ chức du lịch, hiện nay nhu cầu chính đều là gia tăng trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên, tiếp cận văn hóa bản địa,... và sử dụng “sản phẩm xanh”.
Theo khảo sát của Booking.com, có đến 75% khách quốc tế khi đặt phòng quan tâm đến yếu tố xanh, bền vững và hệ quả liên quan... Vì vậy, các doanh nghiệp cũng đang phát triển đội ngũ nhân viên/ nhân sự chuyên trách du lịch xanh, gắn các hoạt động du lịch xanh với trải nghiệm của du khách.
Tuy nhiên, chúng ta hay nhắc đến phát triển du lịch xanh, bền vững nhưng không phải là dễ dàng. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều hoạt động kinh tế khác. cái khó của ngành du lịch là không thể xanh một mình được mà các điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn,... Rõ ràng, tất các các đơn vị đều phải “xanh” để du khách đến địa phương không chỉ được trải nghiệm mà còn có trách nhiệm với điểm đến và đặc biệt là cộng đồng địa phương cũng được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Lấy ví dụ như Quảng Nam, đây là địa phương đầu tiên ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh và đã nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp được trao chứng nhận xanh và nhiều đơn vị khác cũng đang tiến hành chuyển đổi.
Việc này mang lại hiệu ứng cực kỳ tốt cho ngành du lịch Quảng Nam và đặc biệt là thu hút được lượng lớn khách quốc tế đến để trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
- Vậy thì, ở góc độ doanh nghiệp, theo ông các sản phẩm du lịch nên thay đổi như thế nào?
Vấn đề đầu tiên là cần gia tăng nhận thức của cộng đồng trong chuỗi cung ứng và thị trường nên việc thuyết phục các đối tác ở vùng sâu, vùng xa chung chí hướng thực hiện hành động vì tiêu chuẩn xanh.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc chuyển đổi sang du lịch xanh.
Vì vậy, phần lớn các đơn vị vẫn đang “tự thân vận động”. Nghĩa là, tại doanh nghiệp sẽ chủ động chuyển đổi các sản phẩm hiện có, tiết kiệm năng lượng, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, giảm các hành động có tác động đến môi trường,...
Hơn nữa, nhu cầu của du khách ngày càng quan tâm đến môi trường và văn hóa bản địa. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động kết nối với cấc điểm đến vùng xa để phát triển thêm tour tuyến, sản phẩm mới. Dù rằng có những bất tiện nhất định, tuy nhiên ở đó có rất nhiều cái hay mà khách du lịch muốn khám phá, trải nghiệm.
Và các doanh nghiệp cũng nên xác định rằng, chuyển đổi xanh là con đường phải đi của doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, du lịch bền vững không chỉ chú trọng đến sự tăng trưởng về số lượng du khách, mà còn nhấn mạnh các yếu tố bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, xã hội, đồng thời mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương.
- Theo ông, việc thực hiện du lịch bền vững sẽ mang lại những giá trị nào cho doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp đều hiểu rằng du lịch bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa và nâng cao chất lượng trải nghiệm du khách. Cùng với đó, du lịch bền vững giúp cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững.
Về phía doanh nghiệp, khi thực hiện đúng “kim chỉ nam” du lịch bền vững cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích bền vững cho tương lai. Đầu tiên sẽ là sự thay đổi xanh trong bản thân doanh nghiệp, qua đó từng bước tiết kiệm được chi phí hoạt động của đơn vị, điểm đến. Thứ hai là sự quan tâm của khách hàng. Khi các sản phẩm du lịch xanh được ghi nhận thì lượng khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn để trải nghiệm.
Thứ ba là nhận được sư công nhận của cộng đồng địa phương. Hành động tương trợ lẫn nhau sẽ giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát triển sản phẩm.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong tìm kiếm sự hỗ trợ từ địa phương, từ đối tác,.... Đây cũng sẽ là động lực để hướng tới phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!