Hành động để giảm phí

Đại Dương 18/11/2018 05:16

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Với những con số, chỉ tiêu rất cụ thể, hi vọng chương trình sẽ thực sự... hành động.

Ngày 17/5/2017, lúc phát biểu với cộng đồng kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất tâm đắc với kiến nghị coi năm 2017 là năm “giảm phí cho doanh nghiệp”. Lúc ấy, Thủ tướng nói rằng: “Có đồng chí đề nghị với tôi rằng năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp, do đó, một trong những hành động tiếp theo của Chính phủ là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic...”.

p/Tỉ lệ các DN phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với cán bộ, công chức đã giảm. (Nguồn: Khảo sát PCI 2017)

Tỉ lệ các DN phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với cán bộ, công chức đã giảm. (Nguồn: Khảo sát PCI 2017)

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ tiếp tục yêu cầu cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

    16:04, 14/11/2018

  • Giảm nỗi lo về chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp

    00:14, 12/11/2018

  • Sử dụng hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí

    01:43, 22/10/2018

  • Gánh nặng chi phí tuân thủ

    10:00, 17/08/2018

  • Thủ tục hành chính lĩnh vực nào “ngốn” nhiều chi phí nhất của doanh nghiệp?

    09:33, 17/08/2018

  • Chi phí không chính thức không phải lúc nào cũng hữu ích

    09:19, 14/08/2018

Mục tiêu của Chính phủ

Và kể từ đó, “giảm phí cho doanh nghiệp” luôn là một mục tiêu của Chính phủ. Hồi tháng 2/2018, Nghị quyết 13 của Chính phủ xác định năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp với những mục tiêu cụ thể.

Chính phủ đã nhận thức rất rõ rằng: Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như với ngân hàng thì phải điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; giảm các loại phí, nhất là phí vận tải, phí logistics. Với Bộ GTVT thì phải khẩn trương quyết toán các dự án BOT, đề xuất mức thu phí phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhưng điểm quan trọng nhất có lẽ là xác định “chưa đề cập tăng thuế, giá, phí các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý”.

Cần là mục tiêu chung

Gần 2 năm được coi là “giảm phí cho doanh nghiệp” đã diễn ra, nhưng có lẽ tình hình không được như mong đợi. Ngày 14/11, TS Lê Đăng Doanh tại Hội thảo đánh giá về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã kể: “Một số doanh nghiệp nói với tôi, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã giảm đi, việc thực hiện các thủ tục qua mạng đã dễ dàng hơn, nhưng khâu cuối cùng dứt khoát phải tiếp cận cán bộ”.

Và khi đó, mọi thủ tục, hồ sơ nhanh hay chậm đều tùy thuộc vào “sức nặng” của phong bì. “Nếu phong bì nhẹ thì 3 tháng thủ tục mới xong, nếu phong bì đủ nặng thì chiều đến lấy. Các doanh nghiệp nói chi phí tăng lên có khi tới 500%. Trước kia chúng em thuộc loại nhà nghèo, đưa 200.000 đến 500.000 sẽ được chấp thuận, nhưng giờ mức ấy không ăn thua”, TS Doanh cho biết.

Điều ấy cũng có nghĩa là, thực chất việc giảm phí cho doanh nghiệp mà Thủ tướng và Chính phủ đã xác định là mục tiêu vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Mà đó mới là bình diện doanh nghiệp. Ở bình diện quốc gia, các tổ chức như WB, WEF… mới đây vẫn đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam. Và thật buồn, kết quả có lẽ làm cho Chính phủ phải suy nghĩ. Chắc vì vậy mà mới đây, Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cũng có nghĩa là năm 2019 liên tiếp là năm thứ 3, giảm phí cho doanh nghiệp được coi là mục tiêu ưu tiên.

Gánh nặng thuế, phí vẫn đè nặng doanh nghiệp khi năm 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế. Trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của VCCI cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức… Những con số này chắc chắn đang bào mòn nội lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng là làm suy yếu tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

Cũng nên nhớ lại rằng, “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh hiện vẫn rất căng thẳng. Và kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay, có lẽ Chính phủ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong cách làm để “ứng phó” với sự trì trệ của hệ thống. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những mục tiêu được đưa ra cũng rất cụ thể.

Theo đó, đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới;

Đến năm 2020, giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020. Đến năm 2020, công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang mạng internet của cơ quan có thẩm quyền. Đến năm 2020, chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Hẳn nhiên, có thể mục tiêu này chưa đáp ứng được mong đợi của nhiều người, trong đó có cộng đồng kinh doanh. Nhưng, nếu chỉ đạt được các mục tiêu nói trên, thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày được cải thiện và sức khỏe của nền kinh tế sẽ tăng lên đáng kể khi năng lực của doanh nghiệp được dồn hẳn cho sứ mệnh kinh doanh. Khi đó, có lẽ câu chuyện về sức nặng của phong bì mà TS Lê Đăng Doanh kể ở trên sẽ chỉ còn là... cổ tích!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành động để giảm phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO