Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Thiếu “sếu đầu đàn”

Ngọc Thái - Trương Khắc Trà 27/11/2021 15:12

Các tỉnh miền Trung đang đề xuất đẩy mạnh triển khai Hành lang kinh tế Đông - Tây để tạo lực hút phát triển kinh tế vùng.

>>Quảng Trị nắm bắt cơ hội “vàng” từ hành lang kinh tế Đông Tây

LTS: Hơn 10 năm sau khi được triển khai xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), các tỉnh miền Trung đang đặt mục tiêu để tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

So với mục tiêu đặt ra, khu vực này vẫn chưa thể phát huy hết được tiềm năng, lợi thế vì trên hành lang phát triển kinh tế Đồng Tây vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế và thiếu chính sách hấp dẫn nhà đầu tư.

 Quảng Trị đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện những công trình trọng điểm là tuyến đường ven biển và kết nối với Hành lang kinh tế Đông-Tây. Dự án đập ngăn mặn trên sông Hiếu. Ảnh: Nguyên Lý

Quảng Trị đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện những công trình trọng điểm là tuyến đường ven biển và kết nối với Hành lang kinh tế Đông-Tây. Dự án đập ngăn mặn trên sông Hiếu. Ảnh: Nguyên Lý

Hạ tầng thiếu đồng bộ

Từ năm 1998, Việt Nam đã thành lập “Khu vực Khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Lao Bảo” ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Trong 5 năm (2005-2010), khu vực này đã được đầu tư từ ngân sách Nhà nước hơn 863 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.663 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Song song với giai đoạn này, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã có sự góp mặt của 67 dự án được nhà đầu tư đăng ký với tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Lao Bảo – Quảng Trị - Quốc lộ 9 thời kỳ ấy đã trở thành vị trí đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư và hứa hẹn sẽ vẽ lên bức tranh nhiều gam màu trong biểu đồ phát triển EWEC mà Việt Nam cùng góp mặt.

“Vệ tinh” khu vực miền Trung ở các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – QL8A (Hà Tĩnh), QL 12A - Cha Lo (Quảng Bình)… cũng được thu hút đầu tư và trở thành trục tăng trưởng vượt trội vào giai đoạn 2005-2010. Tuy nhiên, bức tranh phát triển tổng thể mà mục tiêu EWEC đặt ra lại nhanh chóng rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn” khi cơ chế, chính sách lần lượt rút ngắn “tuổi thọ” khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, dở dang công trình, dự án đã đầu tư ở khu vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, nếu phát triển EWEC xứng tầm sẽ tạo nhiều cơ hội cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

>>Quảng Trị: Sức sống mới trên đảo Cồn Cỏ

Cửa khẩu Lao Bảo, đầu mối giao thương trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Cửa khẩu Lao Bảo, đầu mối giao thương trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Cần doanh nghiệp mở đường

“Nhưng cơ hội đó thành công hay không phải có doanh nghiệp mới làm được. Để EWEC khu vực Bắc Trung bộ phát triển xứng tầm với khu vực và quốc tế, cần sự kết hợp hai bên: doanh nghiệp trong nước và doanh nhân Việt kiều” – ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói như vậy tại Hội thảo Việt kiều kết hợp đầu tư phát triển vùng Bắc Trung bộ do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức ở Nghệ An thời gian qua.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, thực tế về nhu cầu phát triển logistics trong chuỗi mục tiêu mà EWEC đưa ra có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược. Và đây được xem như thành tố để kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước lại với nhau. Trước tiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn trong khối EWCE phải có được hành lang pháp lý chung thông thoáng, thuận lợi, đơn giản hoá các thủ tục thông quan hàng hoá.

Ông Phạm Văn Long – Giám đốc Công ty CP Tân Long cho rằng, hiện nay hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy, kết nối hoạt động logitics trong chuỗi hành lang EWEC vẫn chưa được quan tâm ở tầm vi mô lẫn vĩ mô. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà nằm ngay ở chính các nước có chung hành lang kinh tế với nhau. Ngay như Lào, về mặt chủ trương phát triển chuỗi kinh tế theo trục hành lang EWEC họ cũng quan tâm vì lợi ích chung nhưng điều kiện để đầu tư thì không đơn giản như chúng ta nghĩ. Chính vì vậy, vốn đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư để thúc đẩy, tạo lực hút cho EWEC rất quan trọng. Mặt khác, thực tế hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư lớn triển khai hoạt động logistics mang tầm quốc tế vào “lót ổ” khu vực này nên các dịch vụ trong chuỗi hoạt động vẫn còn hạn chế.

Ở góc độ cơ quan thực thi chính sách, ông Nguyễn Hữu Hưng Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị cho rằng cần thiết phải tổ chức tổng kết đánh giá việc thí đểm mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”; làm cơ sở để xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách phù hợp cho mỗi bên. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính để rút ngắn thời gian thông quan, xóa bỏ các rào cản để việc vận chuyển hàng hóa trên EWEC được thuận lợi.

Ông Hưng cũng kiến nghị Chính phủ nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các trung tâm dịch vụ Logistics và các dịch vụ bổ trợ khác tại Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, dọc tuyến đường 9 và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. 

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị :

Cảng Mỹ Thủy là khu bến cảng tiềm năng, phát truyển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Nếu hình thành được tuyến cao tốc nối Lao Bảo với cảng Mỹ Thủy sẽ giải quyết được vấn đề “gai góc” nhất, tạo được hành lang thông thoáng chuyên dụng, hàng hóa đi qua tuyến này sẽ rất lớn và lợi thế nhất trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Thiếu “sếu đầu đàn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO