Hành trình ly hương và ngày trở về

Diendandoanhnghiep.vn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương,… từng là “miền đất hứa” với người lao động đến nhiều tỉnh thành. Thế nhưng giờ đây, miền đất ấy không đủ sức bao bọc tất cả những con người xa xứ.

Thông thường, cứ mỗi dịp sau Tết cổ truyền, người lao động nông thôn ở quê tôi lại đổ dồn về các thành phố lớn để tiếp tục chặng đường mưu sinh thường nhật. Tôi chắc rằng, người lao động các vùng quê khác thuộc các tỉnh miền Tây,  Tây Nguyên… cũng như thế.

Làng quê lại vắng vẻ sau Tết, có nơi chỉ còn người già và trẻ con ở quê. Dọc theo quốc lộ, bến xe, điểm đón khách hay trung tâm xã, những ngày sau Tết, có rất nhiều hành khách xách hành lý, tụ tập đứng chờ xe để rời quê, tiếp tục đến các vùng miền lao động.

Trong không khí ấy, có một điều mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy, lẫn trong dòng người từ miền Bắc đón xe, tàu vào Nam; hay người vùng Đông/Tây Bắc, Tây Nguyên “xuống phố”; người ở miền Tây “lên phố”… hầu như trên khuôn mặt ai cũng đượm buồn, vương chút lưu luyến.

Bởi vì họ biết lại một năm nữa họ đằng đẵng mưu sinh nơi đất khách quê người với niềm hy vọng xen lẫn lo toan. Trong vô số lý do được những người ly hương đưa ra, phần lớn là vì gia đình khó khăn trong sản xuất, việc làm không ổn định và thu nhập bấp bênh. Nhiều người phải bỏ lại sau lưng bố mẹ già, vợ/chồng, con nhỏ… 

Nhưng họ vẫn đi với mong muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ vơi bớt khó khăn. Và xác định, làm công nhân chủ yếu làm vài năm ở thành phố, đến khi hết tuổi lao động cũng về quê, họ không có tích lũy để có thể an cư lập nghiệp, có nhà cửa ở thành phố.

Thậm chí, người ta vẫn thường nói vui cuộc sống của công nhân độc thân ở các khu nhà trọ là “5 không”: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. 

Giữ chân người dân ở lại và quay trở lại TP trong lúc này không thể dùng mãi “mệnh lệnh”, hay “nói suông”, mà cần phải có những hành động cụ thể, sát sao, thiết thực, đủ để người dân tin tưởng mà ở lại.

Người lao động ùn ùn rời TP HCM về quê.

Chẳng may, “cơn bão COVID-19” ập đến và bùng phát mạnh mẽ, mọi kế hoạch bị đảo lộn. Người lao động ở đô thị rơi vào cảnh mất việc, giãn cách xã hội khiến con đường mưu sinh ách tắc. Nỗi lo về các vấn đề sinh hoạt, dịch bệnh thôi thúc họ tìm cách rời khỏi các địa phương cao điểm dịch bệnh, tạo nên làn sóng “di cư ngược” chưa từng có.

Thế nên, trước thông tin TP.HCM… sẽ hạn chế xe khách liên tỉnh để phòng dịch COVID-19, cũng như ngày “nới” giãn cách, rất nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên… đã ùn ùn ra bến xe và quốc lộ để về quê “trốn” dịch.

Vậy là, trong hành trình mưu sinh, nay hối hả về quê tránh dịch, tạo nên một hành trình di chuyển hồi hương lịch sử trên các nẻo đường. Họ trở về không phải với tâm trạng phấn khởi, hân hoan như các dịp trước. Lần trở về này họ mang theo tâm lý sợ hãi, lo lắng.

Trên hành trình hồi hương vất vả ấy, chúng ta đã chứng kiến những đoàn người giận dữ bấm còi trong cơn mưa như trút trước chốt. Họ bất lực và vô phương. Hoặc có những câu chuyện hy hữu như chồng “quên” vợ con dọc đường, 4 mẹ con đạp xe suốt chặng đường dài… Người già có, trẻ em có, phụ nữ mang thai cũng có.

Người nối người trên chiếc xe máy cà tàng lếch thếch về quê, thậm chí còn có đoàn người chọn phương án “cuốc bộ” vì không thể trụ lại giữa chốn thị thành. Nhiều người đã thẳng thắn chia sẻ, cuộc đi về lần này, xác định “chỉ tiến chứ không có lùi”. Vì làm gì còn đường lùi.

>>> Xem video Hàng ngàn người đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về qua Hà Tĩnh

Một nữ công nhân (quê Cà Mau) khi bị chặn lại tại chốt chặn (Long An) cùng đoàn người về quê đã tự nhận mình “liều mình” về quê và nỗi lòng của chị cũng giống vô số con người khác trên hành trình hồi hương.

Chị nói thế này: “Không phải tụi con không hiểu các chú. Tụi con cũng biết các chú lãnh đạo mệt lắm. Tụi con cũng biết tụi con "liều mình" ra đường như vầy là làm khó cho các chú và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng tụi con hết cách rồi mới phải làm vậy...”

Điều này cũng có nghĩa, những người lao động xa quê sau thời gian vật lộn với đại dịch đã quá mệt mỏi. Không còn đủ sức trụ lại nữa, họ chọn giải pháp rời bỏ nơi đã cưu mang bản thân nhiều năm. Và trong sâu thẳm tâm hồn họ những lúc thế này mới thấy không đâu bằng quê hương mình.

Thực tế thời gian qua cũng có nhiều địa phương tổ chức đưa đón bà con về quê. Nhưng cũng đã có không ít địa phương đang quá sức chịu tải về cách ly, chữa trị và kiểm soát dịch nếu mở cửa cho người dân tự phát về ồ ạt. Thời gian cũng rất có hạn, bởi đám đông tập trung ở các chốt đều có thể trở thành những “ổ dịch siêu lây nhiễm”.

Dĩ nhiên, đây là một cuộc di cư lớn, để lại nhiều tâm trạng và cả những dấu hỏi cho những người làm công tác quản lý, nhân sự và cho các nhà xã hội học.

Đó là: Câu chuyện Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung… còn quá thiếu các công xưởng, khu công nghiệp. Trong khi làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún khiến nhiều người lao động phải ly hương kiếm sống là điều chính người dân đồng bằng, vùng nông thôn... hiện không có lựa chọn khác.

Vậy làm sao để ly nông mà không ly hương? Làm sao để cuộc sống người nông dân không chỉ đỡ khó khăn về mặt kinh tế mà còn được đầy đủ tinh thần bằng cách sống và làm việc, sinh hoạt ngay trên mảnh đất quê hương đầy yêu thương, kỷ niệm của mỗi người?

Vấn đề đó không phải tính trong một sớm một chiều. Nhưng đây cũng là bài toán quản lý xã hội, phát triển – liên kết vùng… mà các nhà làm công tác quản lý cần giải quyết.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hành trình ly hương và ngày trở về tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714072909 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714072909 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10