Theo công bố Forbes, năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group) và ông Hồ Hùng Anh (Techcombank) là tỷ phú USD mới của Việt Nam.
Theo cách tính của Forbes, năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan (Masan Group) và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) đã lọt vào bảng vàng các tỷ phú USD của Việt Nam, nâng danh sách tỷ phú USD người Việt gồm cả ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Nguyễn Bá Dương (Thaco Group) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Sovico Holdings) lên số 5.
Vị tỷ phú kín tiếng
Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu theo cách tính của Bloomberg, thì từ năm 2018, ông Quang và ông Hùng Anh đã cùng dắt tay nhau vào bảng tỷ phú USD và sánh vai cùng nhiều đại gia toàn cầu. Cách tính khác nhau căn cứ trên giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu tại một thời điểm chọn xếp hạng tỷ phú và cách tính realtime - theo diễn biến mỗi ngày của cổ phiếu các tỷ phú nắm trong tay, đã dẫn đến sự khác biệt đáp án Việt Nam đang có bao nhiêu tỷ phú USD mỗi năm, và làm “chậm chân” hai vị tỷ phú mà thiên hạ đồn đoán là tài sản của họ thực nắm còn nhiều hơn con số ở các bảng xếp hạng.
Có lẽ bản thân ông Quang, tỷ phú mới ở 2019 (như đang nhìn từ góc độ Forbes), chẳng quan tâm lắm đến việc thiên hạ đồn đoán, hay việc ông có vào bảng xếp hạng tỷ phú hay không. Ông Hồ Hùng Anh hẳn cũng vậy.
Mà đặc biệt vẫn là ông Quang. Bởi ông Quang nổi danh là một doanh nhân kín tiếng, gần như ít xuất hiện trên báo chí, phương tiện truyền thông. Ông không chú trọng làm nhân hiệu. Không chọn cho mình lối đi “nổi” bằng hình ảnh hay thông tin, phát ngôn gây ấn tượng. Dường như với người đứng đầu Masan Group và đằng sau là 3 công ty con cốt lõi sở hữu trực tiếp gồm Masan Consumer Holdings, Masan Nutri-Science và Masan Resources, và 1 công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank, thì việc làm cho tất cả các thành viên của Tập đoàn phát triển với giá trị tăng thật nhanh, thị phần chiếm lĩnh thật lớn, tầm ảnh hưởng thật rộng, quy mô ngày càng lớn, mới thực là quan trọng hơn. Quan trọng nhưng vẫn chưa đủ.
Với lòng tự hào Việt Nam
Trong sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng của Masan Group, ông Quang luôn đặt một trách nhiệm lớn: Làm việc để vinh danh Việt Nam. Năm 2009, phát biểu ở cương vị Chủ tịch Masan khi đưa Tập đoàn niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp HCM (HoSE), ông nói: “Tôi yêu quý và tự hào vì tổ quốc mình và sẵn sàng nỗ lực làm việc để vinh danh Việt Nam”.
Yêu quý, tự hào và khát vọng vinh danh Việt Nam - thông điệp này được ông lặp lại nhiều lần, nhiều diễn đàn, trước cổ đông. Lần gần nhất 2018, báo cáo thường niên của Masan nêu thông điệp “Keep Going… Cùng Việt Nam”. Chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ: “Những người tiên phong trên hành trình này muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng một tập thể của những người Việt Nam có thể tạo dựng những giá trị đại diện cho tiềm năng và giá trị Việt Nam. Chúng ta muốn tạo dựng điều gì đó mà gia đình của mỗi chúng ta có thể tự hào, các thế hệ tương lai có thể tự hào, có giá trị vững bền và đặc biệt là có thể phát triển cùng với đất nước”… và “Miễn là chúng ta vững bước “keep going” cùng với 90 triệu người Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được những kỳ tích cho chính mình và cho chính nước Việt thân yêu”…
Phải lắng nghe chính ông Nguyễn Đăng Quang nói chuyện, diễn thuyết, mới thấy những điều to lớn, vĩ đại như trên, được ông Quang nói bằng sự giản dị, chân thành, dễ nghe và dễ thuyết phục tới đâu. Trong cảm nhận của người viết, ông Quang là một người sở hữu đặc biệt năng lực hùng biện, thu hút và thuyết phục số đông - một năng lực hiếm. Ông càng có năng lực dẫn dắt số đông đi theo định hướng, chia sẻ của mình, về những điều rất lớn lao, kỳ vĩ mà nghe không hề bị sáo rỗng hay giả tạo, không bị “phản ứng ngược” là viển vông, đại ngôn. Người viết đã chứng kiến một vài kỳ Đại hội Cổ đông, hễ ông đăng đàn, thì cổ đông sẽ lắng nghe và theo ông. Cho dù ông có nói về nước mắm hay lòng yêu nước, về tự hào tổ quốc hay đóng góp cho chúng ta (cổ đông), từ Masan, đến vinh danh tổ quốc trên bản đồ quốc tế. Nhiều lần cổ đông trong một kỳ đại hội ý kiến về hướng đi của Masan, hay về mức chia cổ tức giảm xuống. Ông Quang đăng đàn trả lời với thẳng thắn, chân thành, có lẽ cộng hưởng cùng giọng nói ấm và vang, thậm chí thừa nhận thất bại - nhưng quan trọng là cần chấp nhận thất bại, học hỏi để vươn lên, ông Quang đã khiến cổ đông đồng thuận ngay là Masan cần dành tiền, tích lũy nguồn lực để tái đầu tư cho những mục tiêu lớn hơn, xa hơn, các nhà đầu tư lại tiếp tục tin tưởng họ sẽ được nhiều lợi tức hơn trong tương lai…
Có thể nói năng lực thuyết phục và dẫn dắt đối phương là một sức mạnh vô hình ông Quang, một Tiến sĩ Vật lý tưởng sẽ cứng nhắc, khô khan. Và sức mạnh ấy, cùng những cách đi khác người, đã dẫn dắt ông thành tựu thương nghiệp rực rỡ, từ thương trường Đông Âu đến trở về Việt Nam và trong vòng một thời gian chỉ bằng 1/5 vòng đời truyền thống của 1 doanh nghiệp, xây dựng được Tập đoàn tư nhân giá trị vốn hóa và doanh thu khủng.
Những “chìa khóa” đặc biệt của Masan
Trong hành trình của mình, Masan, ban đầu được thành lập vào 1996, chủ yếu bán thực phẩm và hàng tiêu dùng châu Á cho thị trường Đông Âu.
Nhiều “huyền thuyết” xoay quanh người có bằng cấp cao của Đại học Vật lý ứng dụng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Belarus và Thạc sĩ Quản lý và Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Trong đó, có những câu chuyện như ông Quang đi “cải tiến” khẩu vị người Đông Âu, đưa mì tôm Việt theo khẩu vị đến cho thị trường Đông Âu và trở thành món ngon ưa thích. Nhờ đó, doanh số của Masan Food đạt tới đỉnh 100 triệu USD/ năm.
Rồi ở đỉnh, ông Quang về Việt Nam, muốn chia sẻ và đem sức mạnh Mạnh và Sáng (M&S-chữ viết tắt tên Công ty) của một công ty Việt trên dải đất hình chữ S, mà theo ông Quang, phải hùng mạnh trước hết trên đất nước mình.
Nhưng có một sự bắt đầu khá rõ ràng là Masan Food, tiền thân của Masan Consumer - một trụ cột chính của Tập đoàn tư nhân Masan ngày nay, đã bắt đầu ở với nước tương Chin-Su. Mặt hàng này đã đột phá mạnh với “sự cố 3-MCPD”. Từ nước tương, doanh nghiệp này lần lượt mở rộng các ngành hàng mì tôm, nước mắm, gia vịvà tính đến hôm nay, thì hầu hết những gì cần cho một căn bếp và phòng khách, gồm cả thịt tươi, cà phê, bia, nước suối nước khoáng đều đã được “đóng mộc” Masan. Chiến lược từ bếp ăn đến phòng ăn và phòng khách đã được Masan xây dựng thành công và rất nhanh theo chuỗi ngang và dọc M&A. Nói cách khác, M&A là chìa khóa lớn nhất của Masan trong cuộc tăng trưởng ngoạn mục từ 1-2 công ty, lên đến cấu trúc đồ sộ hơn 50 công ty và hơn 10.000 người lao động, doanh thu gần chạm 50.000 tỷ đồng như hôm nay.
Một chìa khóa khác biệt của Masan, được xem như “bí quyết” riêng là một cấu trúc tài chính hiện đại với sự nắm chắc về giá trị của cổ phiếu, trái phiếu cùng các “luật chơi” của thị trường. Ngoài ra, dĩ nhiên còn có khả năng thuyết phục về tầm nhìn và chiến lược công ty của ông Quang, đã hấp dẫn các định chế, tổ chức quốc tế đi cùng Masan. Những thương vụ phát hành và hoán đổi cổ phiếu giữa Techcombank và Masan, trong nhiều đợt, đã giúp Masan ở những ngày đầu tăng trưởng vốn mạnh mẽ cũng và dồng thời ghi nhận quyền sở hữu lợi ích kinh tế tại Techcombank, cho đến khi được hoán đổi thành hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho Masan ở 2017, nhưng Techcombank vẫn là công ty liên kết được hạch toán theo vốn chủ sở hữu của Masan, cho thấy năng lực kiến trúc tài chính để gia tăng lợi ích của ông chủ Tập đoàn này.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Masan có thể thu hút được KKR, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, rót hàng trăm triệu USD cho MSN. Trước và sau KKR còn có các định chế lớn, uy tín như TPG (mua trái phiếu chuyển đổi 70 triệu USD), BankInvest (đầu tư nhiều lần vào các công ty của Tập đoàn), IFC (mua trái phiếu chuyển đổi 40 triệu USD), Goldman Sachs (mua trái phiếu chuyển đổi 30 triệu USD)… hay gần đây là những đối tác chiến lược lớn được gắn bó lợi ích vừa cả đầu góp vốn lẫn hợp tác kinh doanh như SK (Hàn Quốc, rót vốn 470 triệu USD); và GIC (của Chính phủ Singapore)… Các quỹ đầu tư sừng sỏ phải nhìn ra tiềm năng, tầm nhìn của Masan, khả năng thực hiện cam kết của ông Quang trước hết ở góc độ tài chính, trước khi rót vốn.
Đích nhắm của tương lai
Trong cấu trúc hiện tại, Masan có 4 trụ cột chính: Masan Consumer (tiêu dùng), Masan Nutri-Science (chuỗi thịt); Masan Resources (tài nguyên) và Techcombank (ngân hàng). Masan có lẽ cũng là một trong những số rất ít các Tập đoàn tư nhân hiện tại được khởi nghiệp bởi “người về từ Đông Âu) đã chọn không tham gia cuộc chơi bất động sản, nhưng lại có giá trị tài sản và quy mô vốn chủ sở hữu ở top khủng trên thị trường. Đây cũng là một cái tài của ông Quang trong việc đặt tầm nhìn vào thị trường hơn 90 triệu dân, kiên định “Keep going” - “đặt người tiêu dùng vào trung tâm” và hướng về phía trước dài hạn.
Ông Nguyễn Đăng Quang, vị “tỷ phú nước mắm” như cách nhiều người thường gọi, sở hữu tài sản 1,3 tỷ USD, từng nói “chúng ta theo đuổi sự hoàn hảo nhưng không ai trong chúng ta hoàn hảo cả”. Đâu đó, vẫn có rất nhiều những câu hỏi về những bước đi chiến lược của Masan. Dù vậy, cách đi, cách tiếp cận của Masan, như ông Quang nói, có thể không phải là cách đúng nhất, nhưng đó chính là phương cách Masan- Masan Way.
Tự tin để từ thành công của thị trường quốc tế, “làm lại từ đầu” ở thị trường Việt Nam - Masan Way hẳn không chỉ là kết quả, một mối quan tâm đến tài chính mà tỷ phú gốc Quảng Trị này mong muốn nhìn thấy.
”Lý tưởng thật sự” - cụm từ chúng ta vẫn hay e ngại, xin nhắc lại là có thể gây cảm giác sáo rỗng, trong thời mà các khái niệm lý tưởng sống đã mòn dần đi và ít được nhắc đến thay cho những trào lưu, xu hướng ngắn hạn…- với ông Quang, vẫn không ngừng được khẳng định là một điều mà Masan giữ vững trên hành trình, trên hướng đi của mình. Với vị thế một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, với vị thế của tỷ phú USD đứng đầu một đế chế tiêu dùng khổng lồ đang chi phối thị trường, Masan và ông Quang sẽ là niềm tự hào Việt Nam thông qua tạo dựng một mô hình kinh doanh độc đáo ở châu Á? Chúng ta thực sự mong đợi để xác tín niềm tin mãnh liệt ở phía trước của ông Quang, cùng Masan, với lý tưởng này.