Thương binh Nguyễn Văn Thoát – Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thương binh nặng 27/7 và người nhiễm Dioxin Việt Nam vẫn tiếp tục “hành quân” trên mặt trận kinh tế và truyền thống.
Đứng sau những con số doanh thu, là những con người, trong đó có ông Nguyễn Văn Thoát - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thương binh nặng 27/7 và người nhiễm Dioxin Việt Nam luôn nung nấu khát vọng tiếp nối giá trị lịch sử và đồng hành cùng cộng đồng.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có dịp trò chuyện với ông về quyết định chuyển mình từ mặt trận quân sự sang mặt trận kinh tế – xã hội, cũng như tầm nhìn của ông trong công tác chính sách và giáo dục truyền thống.
- Trở về từ chiến trường sau chiến tranh, lại là thương binh vì sao ông không nghỉ ngơi mà vẫn chọn gắn bó với “mặt trận” mới là kinh tế và công tác xã hội?
Thực ra, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ nghỉ. Người lính dù thời chiến hay thời bình vẫn có nhiệm vụ. Sau chiến tranh, tôi và các đồng đội lập ra tổ chức cho thương binh nặng và người nhiễm chất độc da cam, ban đầu chỉ là nơi sẻ chia. Nhưng rồi chúng tôi muốn nhiều hơn: có việc làm, có nơi hoạt động ý nghĩa, có động lực sống tiếp.
Công ty TNHH thương binh nặng 27/7 và người nhiễm Dioxin Việt Nam ra đời từ đó. Hành trình bắt đầu cách đây 25 năm, khi chúng tôi, những thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh, nhận thấy cần một tổ chức gắn kết để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Ban đầu, đây chỉ là một tập thể cựu chiến binh, chưa có định hướng kinh tế rõ ràng. Đến năm 2000, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình kinh tế VAC (Vườn - Ao - Chuồng), không vì lợi nhuận mà để tạo sân chơi chung, nơi mọi người hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi muốn khẳng định tinh thần “tàn nhưng không phế”, thể hiện bản lĩnh của người lính Cụ Hồ.
Chúng tôi không lập công ty để làm giàu, mà để giữ sự gắn bó, để những người chỉ còn 10 – 20% sức khỏe vẫn thấy mình có ích. Với tôi, sống không phải để hưởng thụ mà là để tiếp tục hành quân một hành trình không súng đạn, nhưng không kém phần cam go.
- Doanh nghiệp đã lựa chọn phát triển theo mô hình kinh tế VAC – một hướng đi khá đặc biệt. Điều gì khiến ông và các đồng đội chọn lựa con đường này?
Chúng tôi khởi đầu với mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng) đơn giản, phù hợp thể trạng của anh em thương binh. Có người mất tay, người liệt một bên người không thể làm việc nặng nhọc hay phức tạp. VAC giúp tạo việc làm ổn định, lại gắn liền với thiên nhiên, tạo cảm giác hồi phục cả thể chất và tinh thần.
Nhưng quan trọng hơn, nó không đơn thuần là mô hình kinh tế. Đó là không gian của sự sẻ chia. Ở đó, thương binh dạy nhau nuôi gà, trồng cây, hay chỉ đơn giản là cùng uống chén trà, kể chuyện cũ. Chúng tôi có thể ít nói về quá khứ hào hùng, nhưng trong lòng ai cũng mang ký ức chiến trường - ký ức không bao giờ cũ.
- Với những nỗ lực phát triển kinh tế để nuôi dưỡng tổ chức và chăm lo cho cộng đồng, ông có nghĩ mình đang làm kinh doanh hay đang làm công tác xã hội?
Chúng tôi vẫn gọi nhau là “người lính”. Không có huân chương cho thương trường, nhưng có giá trị của sự sống tử tế, kỷ luật và bền bỉ. Tôi không tự nhận mình là doanh nhân. Chúng tôi làm kinh tế để duy trì tổ chức, để có ngân sách giữ lửa truyền thống, để chăm lo cho con em thương binh, không để làm giàu.
Có thể nói, “kinh doanh” của chúng tôi là một dạng công tác xã hội có tổ chức. Từ những nông trại nhỏ, chúng tôi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, kết hợp với các hoạt động xã hội. Đó là việc làm thật, sản phẩm thật. Mỗi đồng doanh thu, dù nhỏ, đều chứa công sức của những con người từng bước ra từ lửa đạn.
- Ngoài sản xuất, công ty còn tổ chức hàng nghìn buổi giáo dục truyền thống. Ông đặc biệt coi trọng điều này?
Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống, đến các trường học trên cả ba miền đất nước để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về tinh thần yêu nước. Những hoạt động này không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Trong 10 năm qua, các anh hùng và nhân chứng lịch sử đã tiếp lửa truyền thống cho tuổi trẻ học đường ở cả 3 cấp học phổ thông, trong các trường đại học và cả các cấp học viện. Đến nay, mô hình tiếp lửa học đường vẫn được chúng tôi phối kết hợp nhịp nhàng với ngành giáo dục tổ chức và duy trì đều đặn.
Với tôi, lịch sử là ngọn lửa truyền thống, là bài học sống động về sự hy sinh và kiên định. Khi chúng tôi đến các trường học, chúng tôi không chỉ kể về chiến tranh mà còn chia sẻ về cách những thương binh vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới. Qua đó, giúp các em thấy được rằng: Có những người mất đi chân tay, nhưng không mất lý tưởng. Những câu chuyện thật ấy đôi khi khiến cả cô giáo và học sinh khóc, không vì bài học hay, mà vì chạm đến trái tim.
- Nếu được gửi gắm một thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay, ông sẽ chia sẻ điều gì?
Người lính trong thời bình là biểu tượng của sự kiên định và trách nhiệm. Dù chiến tranh đã qua, họ vẫn mang trong mình tinh thần thép, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. Tôi biết nhiều thương binh nặng, mất đi tay chân, nhưng vẫn xây dựng doanh nghiệp, nuôi sống gia đình và giúp đỡ người khác. Đó là bài học về ý chí bất khuất. Điều cốt lõi mà thế hệ trẻ cần học là tinh thần tương thân tương ái và lòng yêu nước. Trong thời đại hội nhập, yêu nước không chỉ là cầm súng mà còn là xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ gìn văn hóa và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Thế hệ trẻ hôm nay không cần ra trận, nhưng có thể tiếp bước bằng cách sống có trách nhiệm, có đạo lý, đam mê với đất nước và cộng đồng. Xã hội cần những kỹ sư giỏi, nhà giáo tốt, doanh nhân tử tế, tất cả đều có thể là “người lính” nếu sống với tinh thần phụng sự.
Và tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng: “Người lính không bao giờ ngơi nghỉ”.
- Trân trọng cảm ơn ông!