Trong quý I/2018, doanh thu Hanoi Milk đạt 29,4 tỷ đồng, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế đạt 0,1 tỷ đồng, giảm 50% so với mức lãi 0,2 tỷ đồng trong quý I/2017.
Công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoi Milk - mã HNM) sẽ bị hủy niêm yết. Theo đó, thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 10/5/2018, Hanoi Milk đã chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) năm kiểm toán 3 năm liên tiếp. Cụ thể, BCTC kiểm toán 2015 và 2016 được nộp lần lượt vào ngày 13/4/2016 và 31/10/2017. Trong năm 2018, Công ty chưa có BCTC kiểm toán 2017.
Sẽ bị hủy niêm yết
Được biết, thời hạn báo cáo BCTC kiểm toán là ngày 30/3 hàng năm. HNX đánh giá, Hanoi Milk sẽ bị hủy niêm yết theo quy định tại điểm k, khoản 1 Điều 60 Nghị định 58 ngày 20/7/2012 của Chính phủ. Cùng với đó, HNX cũng đề nghị HNM báo cáo giải trình theo quy định.
Hiện tại, cổ phiếu HNM vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát (chỉ được giao dịch vào thứ sáu hàng tuần) để sang diện cảnh báo và giao dịch toàn thời gian. Nguyên nhân trước đó khiến cổ phiếu này vào diện cảnh báo đến từ việc HNM chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2016.
Lẽ dĩ nhiên, thông tin Hanoi Milk bị hủy niêm yết sẽ bị các cổ đông đem ra chất vấn nhiều nhất, đặc biệt khi nguyên nhân lại đến từ việc Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính – vấn đề đã được nhiều cổ đông kiến nghị cần khắc phục trong ĐHĐCĐ thường niên 2017.
Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 đã được công bố. Ngày đăng ký cuối cùng tham gia ĐHCĐ thường niên HNM là 5/6/2018. Thời gian thực hiện 30/6/2018. Hanoi Milk từng được coi là một trong các “ông lớn” trong ngành sữa của Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập từ năm 2001 với dòng sản phẩm “nổi danh” là IZZI và Natuamilk.
Được thành lập năm 2001 và đi vào hoạt động năm 2003, Hanoimilk từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk...
Tại báo cáo thường niên năm 2016, doanh nghiệp này vẫn khẳng định mục tiêu chủ yếu là “trở thành 1 trong 3 công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam và là công ty số 1 về các sản phẩm sữa dành cho trẻ em”. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện nay chỉ có giá trị về mặt khẩu hiệu.
Bức tranh kinh doanh ảm đạm
Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HNM ngày càng bết bát. Theo báo cáo mới nhất của HNM về kết quả kinh doanh quý III/2017, trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu bán hàng của công ty chỉ đạt 128,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 là 176,4 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 442 triệu đồng (cùng kỳ năm 2016 là 1,8 tỷ đồng).
Tại báo cáo thường niên 2016 của HNM cũng ghi nhận tình hình các năm trước không mấy sáng sủa. Năm 2016, doanh thu bán hàng của hãng sữa này là 231 tỷ đồng, bằng 82,5% so với năm 2015 và đạt 71% so với kỳ vọng của ban lãnh đạo. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái cũng chưa bết bát bằng năm nay, đạt 2,2 tỷ đồng, song đã là “thảm” so với 2015 vì đã giảm 11% và chỉ đạt 56,5% mức độ kỳ vọng của chính doanh nghiệp.
Tính đến năm 2016, HNM đã có 6 năm liên tiếp lợi nhuận quanh quẩn trong mức từ 1 - 3 tỷ đồng. Với đà 9 tháng chỉ đạt hơn 400 triệu lợi nhuận này có thể dự báo được năm 2017 sẽ là năm mà bức tranh kinh doanh của HNM ảm đạm hơn cả.
Thực tế cho thấy hình dáng hộp Wed (hình tam giác) tạo ra sự khác lạ, song khi sử dụng dễ gây trào sữa ra ngoài và khi xếp trên kệ, tủ thì tốn diện tích nên một thời gian sau khách hàng quay trở lại sử dụng loại hộp Brik (hình khối chữ nhật) của các hãng sữa khác.
Chính việc đầu tư cùng một lúc 7 máy rót hộp Wed khi xây dựng nhà máy đã gây ra hậu quả cho đến nay. Suốt một thời gian dài, HNM chỉ có thể bán được sản phẩm sữa hộp Brik, trong khi chỉ có 3 máy rót hộp Brik, dẫn đến việc nhà máy chế biến sữa thừa công suất chế biến nhưng thiếu công suất rót.
Kết quả là HNM phải dừng sản xuất sản phẩm IZZI hộp Wed từ đầu năm 2015, đồng nghĩa với 7 dây chuyền máy rót hộp Wed “đắp chiếu” (được tiết lộ mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy). Lãnh đạo HNM sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận trước cổ đông về sai lầm của mình khi vội vàng quyết định sai chiến lược kinh doanh.
Kinh doanh sa sút, tồn kho nhiều, phải vay lãi để tồn tại, kết quả là lãi mẹ đẻ lãi con, lãi vay gấp 4 lần lợi nhuận, đó là bức tranh kinh doanh hiện tại của HNM. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như chính lãnh đạo HNM thừa nhận, đối thủ lớn là Vinamilk đã tăng gấp 3 lần quy mô từ 2010 đến 2016, cùng với sự xuất hiện của nhiều hãng sữa mới, liệu HNM sẽ dựa vào đâu để tồn tại và trở thành hãng sữa dành cho trẻ em số 1 Việt Nam?
Đứng từ góc độ phân tích, một số chuyên gia tài chính cho rằng phát hành tăng vốn có lẽ là phương án tốt nhất cho HNM hiện nay, một mặt cải thiện chỉ số nguồn vốn, mặt khác đem lại dòng tiền. Tuy nhiên, phương án này bị đánh giá là khó thực thi trong bối cảnh cổ phiếu HNM đang nằm trong diện hạn chế giao dịch và thị giá thì khiêm tốn khi đóng cửa phiên giao dịch 18/5, cổ phiếu HNM đạt mức giá 3.100 đồng/cổ phiếu, giảm 9,68% so với mức giá tham chiếu, thì thật khó để có thể thuyết phục cổ đông góp thêm tiền vào doanh nghiệp.