Sau giai đoạn có lãi 2011-2016, những tưởng Hanoimilk phục hồi trở lại thì doanh nghiệp sữa này lỗ năm 2017 và lỗ 11,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.
Biên lợi nhuận của Hanoimilk nửa đầu năm nay cũng giảm mạnh từ 29,4% về còn 15,5%.Lý giải cho kết quả thua lỗ 6 tháng đầu năm, Hanoimilk cho biết do sản xuất ít và khuyến mại cao dẫn đến doanh thu giảm và chi phí giá vốn tăng.
6 tháng lỗ 11,5 tỷ đồng
Không chỉ hiệu quả kinh doanh đi xuống, chất lượng tài sản của HNM cũng đang đặt ra nghi vấn. Tính đến 30/6, tổng tài sản của HNM đạt 476 tỷ; chủ yếu được đóng góp bởi 189 tỷ phải thu ngắn hạn và 165 tỷ hàng tồn kho.
Dễ dàng nhận thấy 2 khoản mục trên đã chiếm phần lớn cơ cấu tài của công ty với tỷ lệ 74%/tổng tài sản. Liên quan đến vấn đề này trong báo cáo bán niên gần nhất, kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ về tính đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của khoản mục hàng tồn kho; giá trị có thể thu hồi của khoản trả trước cho người bán và tạm ứng; tính hiện hữu và giá trị có thể thu hồi của một số tài sản khác.
Có thể bạn quan tâm
Chất lượng nguồn vốn cũng đặt nghi vấn. Tại thời điểm 30/6, công ty có 304 tỷ nợ phải trả, tăng 13% so với đầu năm; trong đó nợ vay đã chiếm đến 213 tỷ đồng, tương đương 45% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp cũng đang có lỗ lũy kế 36,8 tỷ đồng.
Dòng tiền là một thách thức khác cho HNM, từ năm 2010 đến nay, dòng tiền hoạt động kinh doanh chưa bao giờ ghi nhận con số dương, thậm chí mức âm ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là dòng vốn bị chiếm dụng tại các khoản phải thu và tồn kho. Hoạt động đầu tư thấp trong nửa đầu năm khi doanh nghiệp chỉ còn 1,7 tỷ tiền mặt.
Một trong những vấn đề của HNM hiện tại là cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng. Tuy nhiên nợ vay đã ở mức cao, nếu vay thêm sẽ tạo áp lực lên chi phí lãi vay, do đó phương án huy động vốn qua trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu được HNM đề ra.
Cụ thể, HNM đã lên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức phát hành riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm quá thấp (3.400 đồng/cp) và HNM bị lỗ trong năm 2017, nên kế hoạch này chưa thực hiện được; do vậy Hanoimilk đã phải gia hạn sang năm 2019-2020. Với kết quả nửa đầu năm đã thua lỗ hơn 11 tỷ thì câu chuyện có lãi trong năm 2018 để đủ điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi vẫn còn bỏ ngỏ.
Mặc dù vẫn lận đận trong kinh doanh nhưng Hanoimilk đang đặt kế hoạch 2018-2020 khá quyết tâm với việc phát triển Izzi thành thương hiệu sữa trẻ em hàng đầu Việt Nam. Tái định vị thương hiệu với sản phẩm chính là sữa chua ăn. Công ty còn thực hiện dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh.
Chấp nhận kế hoạch “đi trên dây”
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, cổ đông Công ty cổ phần Sữa Hà Nội - Hanoimilk (mã HNM) đã thông qua 2 kế hoạch gọi vốn nhằm giúp Công ty bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, khả năng thành công vẫn là dấu hỏi.
Ngoài kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, nhưng đã phải gia hạn sang năm 2019-2020, lãnh đạo HNM còn trình kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2019 đến 2021 và có thể chia thành nhiều đợt khác nhau. Tờ trình nhấn mạnh việc chào bán chỉ dành cho các nhà đầu tư chiến lược.
Về giá phát hành, Chủ tịch HĐQT Công ty sẽ đàm phán và quyết định giá phát hành trên cơ sở tham khảo giá thị trường (bình quân giá đóng cửa của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước thời điểm phát hành của cổ phiếu HNM) cộng với biên độ tăng giảm, nhưng không thấp hơn mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Để thuận lợi cho việc chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, HNM cũng trình cổ đông thông qua việc nới room ngoại lên 100%.
Nhưng với thực tế hoạt động hiện tại, nhiều cổ đông lâu năm của HNM bày tỏ sự lo ngại về khả năng thành công của 2 kế hoạch phát hành trên. Một cổ đông HNM từng chia sẻ, việc phát hành của HNM giống như đang “đi trên dây”, bởi sẽ rất khó thành công trong bối cảnh thị giá cổ phiếu thấp và kết quả kinh doanh bết bát.
Tuy vậy, các cổ đông HNM đã nhất trí thông qua các kế hoạch phát hành và đặt trọng trách này lên Ban lãnh đạo Công ty, bởi với tình hình hiện tại, HNM cần có vốn mới mong phục hồi sản xuất - kinh doanh.