Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn. Ðó là đứt gãy cung - cầu, thiếu hụt dòng tiền, đầu tư ngưng trệ...
Do đó, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ, hiệu quả hơn, khả năng các doanh nghiệp có thể phục hồi được ngân sách và duy trì ổn định được sản xuất, kinh doanh sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đến nay NSNN đã chi khoảng 17,77 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đã ảnh hưởng đến số thu, chi NSNN. Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 51,4% dự toán, giảm 10,6%; thu về dầu thô đạt 65,4% dự toán, giảm 32,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,2% dự toán, giảm 20,5% so cùng kỳ năm 2019.
Ở góc độ doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động do gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ trong khi khả năng thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của các doanh nghiệp. Hiện nay, các lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu chủ yếu là từ ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đều là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ... đã ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách Nhà nước năm 2020.
Lĩnh vực xuất, nhập khẩu gặp khó khăn so với cùng kỳ là do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương, làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đầu ra nên các đối tác đã và sẽ còn giãn hoãn, hủy các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản lượng.
“Sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất, khi dãy số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh chín tháng qua ghi nhận lần đầu có sự sụt giảm 3,2% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới sau chuỗi tăng trung bình 14,3%/năm liên tục 5 năm gần đây.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng tăng 27,2% so cùng kỳ năm trước, riêng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng kỷ lục 81,8%.
Khảo sát của Trường đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho thấy, khoảng 80% số doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp.
Nguyên nhân chủ yếu vì doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách và quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, thiếu minh bạch. Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhận hỗ trợ nhưng ngược lại, vẫn còn nhiều chính sách không có tác động như kỳ vọng như hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đề xuất thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì dịch bệnh đang có nhiều yếu tố bất định, có thể kéo dài đến hết năm 2021. Do đó, cần tung thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% GDP, trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75%. Gói hỗ trợ lần thứ hai cần xem xét bốn nội dung: Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tác động của chính sách đến doanh nghiệp và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức bị mất việc làm, giảm thu nhập; chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp tục hỗ trợ lãi suất.
Riêng về chính sách lãi suất, TS Cấn Văn Lực khuyến cáo cần nghiên cứu kỹ mức hỗ trợ cho từng ngành nghề theo mức độ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh thay vì áp dụng một mức chung, như đề xuất của VNA về mức hỗ trợ lãi suất cho vay 4% so với mức cho vay trên thị trường là 8% - 9%/năm.
Là người tham gia thiết kế các gói cứu trợ kinh tế đầu tiên của Chính phủ, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS Võ Trí Thành khẳng định, Chính phủ còn nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng gói hỗ trợ tiếp theo cần bảo đảm nguyên tắc nhanh, đúng đối tượng và phải triển khai quyết liệt. Xây dựng được chính sách đã quan trọng, nhưng thực thi tốt còn quan trọng hơn. Ý tưởng của gói hỗ trợ lần thứ nhất vẫn còn rất đơn giản là Nhà nước giãn, hoãn thuế, chưa thu tiền của doanh nghiệp để họ giữ lấy cầm cự. Nhưng gói hỗ trợ lần thứ hai phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại. Gói hỗ trợ này phải đủ lớn, quy mô rộng bao quát được các đối tượng gồm người lao động, doanh nghiệp và an sinh xã hội. Nhưng phải tính toán để nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm tới các lĩnh vực, doanh nghiệp quy mô lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa như ngành hàng không…
Có thể bạn quan tâm
06:25, 29/12/2020
11:30, 28/12/2020
05:00, 28/12/2020
10:41, 27/12/2020
00:30, 27/12/2020
19:30, 26/12/2020
06:30, 26/12/2020
13:40, 25/12/2020
06:15, 25/12/2020
01:36, 25/12/2020