Giới hạn thanh tra doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm là bước tiến thể chế, nhưng liệu thể chế liêm chính có đủ để chính sách phát huy tác dụng?
Trong dòng chảy cải cách thể chế, việc giới hạn thanh kiểm tra chỉ một lần mỗi năm được xem là tín hiệu tích cực với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng phía sau một chủ trương tưởng như kỹ thuật ấy, lại là bài toán lớn hơn: ai sẽ bảo đảm công bằng trong thực thi và ngăn chặn quyền lực bị lạm dụng?
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đang mở ra nhiều kỳ vọng cải cách, trong đó có đề xuất đáng chú ý: giới hạn tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Cùng với đó là loạt biện pháp hậu kiểm bằng dữ liệu điện tử, ưu tiên doanh nghiệp tuân thủ tốt và xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu.
Tuy nhiên, đằng sau bước đi thể chế này là một câu hỏi lớn: ai giám sát người đi giám sát? Bởi khi thể chế chưa đủ liêm chính, rất dễ xảy ra tình trạng chính sách bị lợi dụng để phục vụ lợi ích cá nhân, tạo thêm “giá trị ngầm” trong các cuộc thanh kiểm tra.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ từng phản ánh bị kiểm tra chồng chéo dưới các danh nghĩa khác nhau: thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, y tế, tiêu chuẩn đo lường… Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho biết có những địa phương chỉ trong một năm, doanh nghiệp tiếp đến 5 - 7 đoàn kiểm tra, dù không có sai phạm. Sự chồng lấn này không chỉ gây tốn kém chi phí, nhân lực mà còn tạo ra cảm giác “bị theo dõi” thường trực, làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp vào tính minh bạch của bộ máy hành chính.
Dự thảo nếu được thông qua sẽ là một dấu mốc thể chế quan trọng. Nhưng muốn chính sách “một lần kiểm tra mỗi năm” thực sự trở thành lá chắn cho người làm ăn chân chính, thì cần một hệ thống thực thi công khai, minh bạch và có cơ chế kiểm soát quyền lực rõ ràng.
Theo các chuyên gia, bản chất của cơ chế hậu kiểm là chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang giám sát sau cấp phép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt khâu thực thi, hậu kiểm lại có thể trở thành công cụ nhũng nhiễu mới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung, Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts nhận định, quy định không thanh tra quá một lần/năm là tiến bộ, nhưng nếu không xác lập được cơ chế giám sát cán bộ thanh tra thì chính sách sẽ bị vô hiệu hóa.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết rằng họ vẫn bị kiểm tra “trá hình” dưới các hình thức khác nhau. Vậy ai chịu trách nhiệm khi chính sách bị bẻ cong? Đây chính là lỗ hổng thể chế cần bịt kín”, luật sư Nhung nhấn mạnh.
Không chỉ cần kiểm soát con người, theo luật sư Lê Thị Nhung còn cần kiểm soát bằng hệ thống.
“Cần số hóa dữ liệu doanh nghiệp, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro theo ngành nghề, địa bàn để cơ quan quản lý lựa chọn đối tượng hậu kiểm dựa trên dữ liệu. Đồng thời, phải minh bạch danh sách doanh nghiệp tuân thủ tốt được miễn hậu kiểm trong năm, tránh tình trạng chọn kiểm tra theo cảm tính”, nữ luật sư phân tích.
Đáng chú ý, luật sư Nhung cũng đề xuất tăng vai trò giám sát từ các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
“VCCI không chỉ là tổ chức của doanh nghiệp mà còn là tiếng nói phản biện chính sách độc lập. Nếu được trao thêm quyền giám sát hậu kiểm, đặc biệt tại các địa phương, VCCI có thể trở thành tấm lá chắn hữu hiệu trước các biểu hiện lạm quyền”, luật sư Lê Thị Nhung nhấn mạnh.
Nhìn từ góc độ khác, luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Emme Law, chỉ rõ một nguy cơ hiện hữu. Việc chuyển sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu số là tất yếu, nhưng hiện nay dữ liệu giữa các cơ quan quản lý chưa liên thông, thiếu đồng bộ.
“Hậu kiểm không thể hiệu quả nếu thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, môi trường… vẫn hoạt động rời rạc. Doanh nghiệp có thể bị kiểm tra chéo vì mỗi ngành lại có một cách tiếp cận riêng”, luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, cần thiết lập một trục tích hợp dữ liệu chung để các bộ ngành sử dụng chung hệ thống đánh giá rủi ro. “Chỉ khi có hệ thống dữ liệu đồng bộ và truy trách nhiệm rõ ràng đối với từng cuộc kiểm tra, chúng ta mới ngăn được tình trạng lạm quyền. Cần truy trách nhiệm hành chính hoặc hình sự với cán bộ thanh tra sai phạm, chứ không thể chỉ kiểm điểm”, luật sư Tạ Anh Tuấn nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông cũng đồng tình với kiến nghị tăng quyền phản biện của hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là VCCI, để tạo thế đối trọng và giúp giám sát thực chất hơn các hoạt động thanh kiểm tra ở cấp địa phương.
Nhiều ý kiến cũng nhận định với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng, Dự thảo của Quốc hội là bước đi phù hợp trong dòng chảy cải cách thể chế mà Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt ra. Trong bài viết quan trọng gần đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bảo vệ người làm ăn chân chính là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện thể chế”. Đó không chỉ là mệnh lệnh chính trị mà còn là đòi hỏi thực tiễn, khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế.
Muốn vậy, cơ chế hậu kiểm không thể tách rời nhiệm vụ xây dựng thể chế liêm chính, nơi mà quyền lực được kiểm soát, chính sách được thực thi công bằng và doanh nghiệp được đối xử như đối tác thay vì đối tượng bị nghi ngờ mặc định.
Hậu kiểm minh bạch chỉ phát huy hiệu quả khi nó được đặt trong một hệ sinh thái chính sách minh bạch, cán bộ được ràng buộc trách nhiệm và hệ thống dữ liệu đủ mạnh để thay thế cho cảm tính hành chính. Còn nếu không, “một lần/năm” cũng chỉ là con số trên giấy, không đủ sức tháo gỡ rào cản cho người làm ăn tử tế.