Người ta nói vậy trong ngày đưa tang bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh năm 2013.
TINA - THERE IS NO ALTERNATIVE (Không có lựa chọn thay thế khác) là khẩu hiệu nổi tiếng của Margaret Thatcher đã phát triển để khẳng định rằng mọi tranh cãi về Chủ nghiã tư bản, Toàn cầu hoá chủ nghĩa tư bản, cái gọi là thị trường tự do, thương mại tự do là cách tốt nhất để tạo dựng của cải, cung cấp dịch vụ và phát triển kinh tế xã hội. Giản quy là tốt, nếu không phải Chúa!
Nhưng trên thực tế, di hại kinh tế của trường phái tân tự do (Hai đại diện tiêu biểu là Thatcherism và Reaganism) để lại là những cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên, như gần đây là cuộc khủng hoảng 2008 làm gia tăng mất cân đối vĩ mô toàn cầu. Mặc vậy, người giàu vẫn cứ giàu thêm. Kinh tế cứ tăng trưởng, sau hơn 30 năm thu nhập trung bình ở Mỹ tăng lên nhưng thu nhập trung vị lại giảm xuống.
Toàn cầu hoá nghĩa là Mỹ hoá. “Minotaur toàn cầu” là chủ nghĩa tư bản Mỹ tập trung ở phố Wall.
Tân tự do (dòng chính) là thứ kinh tế học phục vụ người giàu, làm mơ hồ thực tế và bóp méo chính sách. Nó giúp một nền kinh tế thị trường vượt quá bản chất tốt đẹp của nó trở thành một nền kinh tế tiền tệ; tham lam nhiều hơn, bất bình đẳng cũng nhiều hơn.
Như “Greed is good!” trong Wall Street.
John M. Keynes - một trong những nhà kinh tế học vĩ đại nhất thế giới cho đến nay, từng nói: "Đối với những người được nuôi dưỡng theo cách mà hầu hết chúng ta đã trải qua, khó khăn không phải nằm ở việc tìm ra các ý tưởng mới, mà là chuyện thoát khỏi các tư tưởng cũ đã bén rễ đến mọi ngóc ngách của tâm trí".
Kinh tế học dòng chính một thời gian dài đã ngu hoá người học, như lời mô tả sau đây của John F. Weeks, vị Gs kinh tế học nổi tiếng người Mỹ: “Khi lời dối trá về sự tốt đẹp của cạnh tranh đã được truyền bá thành công, thì sau đó là việc áp dụng tư duy này cho các hộ gia đình và rao giảng giáo điều phi thực tế đế mức phi lý rằng chủ nghĩa tư bản hiền hoà đem lại cơ hội giàu có cho tất cả mọi người. Kinh tế học dòng chính thống đã đưa ra một điều nói dối nghiêm trọng hơn, gây tác động đến các chính sách của chính phủ: sự can thiệp của nhà nước vào thị trường là một điều không tốt. Thương mại tự do giữa các quốc gia đem lại việc làm và hàng hoá giá rẻ”
Sự thật thì khác. Cạnh tranh tư bản chủ nghĩa không có sự điều tiết thì không dẫn đến một dân tộc tự do, mà thậm chí còn kéo xã hội trượt vào con đường đen tối của chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa phát xít như đã từng. Mặt trái của tự do thương mại là triệt tiêu ngành sản xuất yếu hơn của một quốc gia thành viên.
Sự thật là nếu dựa trên nguyên tắc thị trường tự do phi điều tiết, thì chính những nơi cổ vũ nhiệt thành cho thị trường tự do nhất thì doanh nghiệp lại kêu gọi sự cứu trợ của chính phủ nhiều nhất. Trong khủng hoảng 2008, chính xác là 90 ngân hàng, tổ chức tài chính được chính phủ Mỹ bảo trợ hoạt động và cứu trợ qua nhiều hình thức. Các đồng nghiệp của họ ở EU cũng nhận được những trợ giúp tương tự. EU bỏ qua những nguyên tắc nền tảng của Hiệp định chung để cứu trợ chính phủ của những nước thành viên, bỏ qua chính cả những điều luật mà họ từng ký trước đó.
Drop death - hãy để chúng chết đi theo đúng tinh thần tự do kinh tế laissez faire (aka: mặc kệ nó) thì chỉ đúng với những doanh nghiệp thấp cổ bé họng mà thôi.
“Sự cạnh tranh đã cho thấy sự hữu ích của nó nhưng chỉ đến một ngưỡng nào đó thôi, không hơn, nhưng sự hợp tác, điều mà chúng ta phải nỗ lực đạt tới hôm nay, sẽ bắt đầu từ nơi mà cạnh tranh dừng lại” - Franklin D. Roosevelt
Kinh tế học dòng chính lập luận rằng một xã hội được điều khiển bởi các thị trường tự do sẽ tự động và liên tục điều chỉnh hướng tới toàn dụng nhân công, phân bổ hiệu quả các nguồn lực và cho phép các cá nhân tối đa hoá độ thoả dụng của mình thông qua tiêu dùng. Nhưng sự thật thì kinh tế học dòng chính cho đến nay vẫn chưa giải thích được lý do tại sao thất nghiệp vẫn xảy ra ở mức cao và kéo dài, để rồi cuối cùng phải cầu cạnh đến sự can thiệp của nhà nước nhằm tạo ra việc làm mới, kích thích tăng trưởng.
Và những lý thuyết vô bổ như "cạnh tranh hoàn hảo", "cân bằng tổng quát"...
Nói theo cách của người Anh, thì kinh tế học dòng chính thống là điều nhảm nhí; còn nói theo cách bất lịch sự hơn, thì đó là thứ bỏ đi.
Dường như các môn đệ của Adam Smith thì không chỉ không thuộc bài, mà còn báng bổ lên những nguyên lý bất biến của chính ông, như một trong số đó:
“Những người buôn bán cùng một ngành ít khi gặp nhau, dù là để gặp gỡ vui vẻ hay giải trí, nhưng thường các cuộc trao đổi giữa họ sẽ có kết quả là một âm mưu chống lại xã hội, hay một thủ đoạn để tăng giá” - Adam Smith
Họ lờ đi một sự thật, là chủ nghĩa tư bản sẽ phát huy hết những điều tốt đẹp của nó khi điều điều tiết một cách hợp lý.
Các nhà phê bình thường chỉ ra rằng trường phái kinh tế học Tân tự do hạ thấp và hi sinh các giá trị quan trọng khác như bình đẳng, hòa nhập xã hội, thảo luận dân chủ và công lý. Các mục tiêu chính trị và xã hội đó rõ ràng có tầm quan trọng rất lớn, và trong một số bối cảnh chúng có tầm quan trọng nhất. Không phải lúc nào, hoặc thậm chí thường xuyên, có thể đạt được các mục tiêu đó bằng các chính sách kinh tế mang tính kỹ trị; chính trị phải có vai trò trung tâm.
Sai lầm của họ là tin rằng có một công thức độc nhất và phổ quát để cải thiện hiệu quả kinh tế mà họ đã tiệm cận. Sai lầm chết người của chủ nghĩa tân tự do là thậm chí đã không biết thế nào là kinh tế học. Chủ nghĩa tân tự do phải bị loại bỏ theo chính logic của nó, vì lý do đơn giản đó là kinh tế học tồi.
Dani Rodrik đã nói thế.
Nghèo đòi công bằng xã hội, giàu đòi thương mại công bằng. Vấn đề là Công bằng chỉ có hai chân nên không bao giờ đuổi kịp tính tư lợi kinh tế. Cùng với việc bộ môn lịch sử kinh tế bị xoá bỏ thì việc lật đổ sự lũng đoạn của kinh tế học dòng chính vốn đang chi phối phần lớn các giáo trình học thuật là vô cùng khó khăn.
Nên nhớ, một tập đoàn lớn thì có thể phá sản nhiều lần để bảo vệ tài sản của nó, và thậm chí còn được chính phủ giải cứu. Nhưng cá nhân bạn thì không. Too big to fail!
Kinh tế phát triển: các nền kinh tế lạc hậu, đi sau sẽ không thể phát triển nếu họ để thị trường quyết định mọi thứ. Chính vì tính thực dụng, chiết trung của trường phái này đã giúp các nước phát triển có được vị thế ngày nay, thế nhưng họ lại khuyên (và cả giáo dục) những nước kém phát triển hơn đừng làm như họ. Lên gác rút thang.
Thành tựu lớn nhất của học thuyết Tân tự do này, xét theo tính thời điểm, trong bối cảnh của cuộc đối đầu chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang - kinh tế là góp phần làm sụp đổ kẻ thù của nó: Liên Xô.
PS:
1. *Dani Rodrik, Gs. Kinh tế học tại John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông từng là Gs. tại Khoa Khoa học Xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Princeton.
2. *Minotaur là con quái vật nửa người nửa bò trong thần thoại Hy Lạp.