Cùng với mặt trận kinh tế, mặt trận chính trị, văn hóa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đánh giá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực để phát triển đất nước.
>>Hoàn thiện kế hoạch xây dựng văn hóa kinh doanh
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá đã và đang trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của nền văn hoá Việt Nam.
- Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng này đã thấm đẫm trong suốt quá trình hoạt động cách mạnh của Người?
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa như một kim chỉ nam được thể hiện ngay tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Thực tế trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình.
Để nói về giá trị của văn hóa đối với việc thúc đẩy xã hội phát triển trong mỗi thời kỳ lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Văn hoá tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”. Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hoá có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Văn hoá của bất kỳ dân tộc nào đều bắt đầu từ văn hoá truyền thống. Nó là sự tích tụ, hình thành nên các giá trị lâu đời trong lịch sử xã hội, dân tộc. Trong các yếu tố đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, văn hoá là một thành tố không thể bị xem nhẹ, mà nó là một bộ phận trong chỉnh thể hữu cơ: chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá.
Tổng hoà toàn bộ những thành tố đó mà hình thành hệ thống giá trị, thang bậc giá trị xã hội mới và tổ chức trong thực tiễn”.
Từ những đóng góp to lớn cho dân tộc, năm 1990, UNESCO đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Đây là sự ghi nhận những giá trị di sản tinh thần vô giá mang tầm thời đại, đồng thời là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam.
- Sau 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những định hướng từ việc kế thừa tư tưởng xây dựng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát triển một hệ giá trị văn hóa mới, thưa ông?
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất, được thế giới phong tặng danh hiệu "Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam"!
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá vẫn luôn là một điểm tựa tinh thần vững chắc.
Để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Báo cáo của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra những giải pháp trọng tâm. Theo đó, hệ giá trị quốc gia lần đầu tiên được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Đại hội XIII cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".
>>VCCI hỗ trợ xây dựng nền tảng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- Văn hoá không chỉ là nền tảng tinh thần mà đồng thời là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam sẽ được xây dựng, bồi đắp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, thưa ông?
Những định hướng về một hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam đòi hỏi chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hoá của thời kỳ công nghiệp hoá, hiên đại hoá đất nước, trước mắt với tầm nhìn tới năm 2030 và tới 2045. Đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với khát vọng Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập và hùng cường.
Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, mang bản sắc dân tộc được Đảng và nhân dân ta xác định là một trong các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó chính là quá trình xử lý một cách khoa học các mối quan hệ hữu cơ giữa truyền thống văn hoá và tính hiện đại của văn hoá, giữa văn hoá dân tộc và văn hoá thời đại nhằm xây dựng một nền văn hoá Việt Nam vừa có tính kế thừa vừa có tính sáng tạo, chắt lọc những tinh túy của văn hóa dân tộc kết hợp văn hóa thế giới.
>>HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC: Định vị vai trò của văn hóa!
>>HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC: Biến đổi, thăng trầm tạo bản sắc văn hoá, hồn cốt dân tộc
Với định hướng, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam, chúng ta sẽ xây dựng một hệ văn hoá có tính vượt trước hay tính tiên phong so với kinh tế - xã hội. Từ những cách nhìn như vậy, chúng ta thấy nổi bật lên những vấn đề về thế giới quan, về chính trị, về khoa học và công nghệ, về giáo dục, về mô thức ứng xử dân tộc... thuộc phạm trù văn hoá tinh thần, xét trong sự vận động tổng thể của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi".
- Xin cảm ơn ông!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nền tảng tinh thần
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Có thể nói, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
(Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tinh hoa dân tộc
Văn học làm cho con người xích lại gần nhau, biết san sẻ, yêu thương nhau. Hình ảnh đó được thể hiện đậm nét qua cơn đại dịch COVID-19 vừa qua. Mỗi một tác phẩm văn học như là một chiếc thẻ nhớ lưu giữ những suy nghĩ, tư tưởng, xúc cảm hoặc những hình ảnh, ký ức đẹp về một thời đoạn lịch sử. Văn học đích thực làm cho con người sống có nhân cách, có ước mơ, hoài bão lớn, khẳng định giá trị bản thân, không ngừng hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, theo đuổi tri thức, làm giàu cho bản thân, quê hương và góp phần làm cho dân cường, nước thịnh.
Để dân tộc ta có thể trường tồn trong một thế giới đa dạng và hội nhập sâu sắc như ngày nay đòi hỏi văn hóa phải phát triển mạnh mẽ hơn trên cái hồn cốt của dân tộc đó. Văn học phản ánh những giá trị văn hóa, những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc. Vì lẽ đó, văn học phải đi trước một bước, biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021- 2030 đã nêu: nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng.(Trích phát biểu của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, ngày 9/1/2022).