Việc Mỹ công bố chi tiết hình ảnh cách thức virus Corona chủng mới xâm nhập tế bào cơ thể người nhiễm cung cấp cho các nhà khoa học manh mối quan trọng về cách thức phòng bệnh cũng như giải trừ.
Dưới kính hiển vi điện tử truyền qua có công suất lớn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), thể hiện dưới dạng các chấm màu xanh, virus Corona mới có tên gọi chính thức là SARS-CoV-2 có thể được nhìn thấy đang di chuyển xung quanh và xâm nhập tế bào cơ thể người.
Theo quan sát, virus có hình dạng kỳ lạ và nhỏ bé, tròn, màu xanh dương có thể nhìn thấy đang bám vào một số loại tế bào khác nhau. Các phần tử màu xanh càng dày đặc thì tải lượng virus (viral load - số phiên bản virus lưu hành tự do trong máu của người nhiễm) hay mức độ lây nhiễm càng lớn.
Có thể bạn quan tâm
15:58, 29/02/2020
15:38, 29/02/2020
14:15, 29/02/2020
13:14, 29/02/2020
11:12, 29/02/2020
11:05, 29/02/2020
Bởi có cấu tạo đơn bào nên virus không thể tự tồn tại và nhân lên, do vậy chúng cần tìm một vật chủ để ký sinh. Chúng bám vào các enzyme của các sinh vật sống khác để lấy năng lượng để nhân đôi.
Trước đó, các nhà nghiên cứu của Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) cũng đã công bố hình ảnh của virus Corona chủng mới này trông khá giống với virus corona MERS-CoV (gây nên hội chứng hô hấp Trung Đông, bùng phát năm 2012) và virus SARS-CoV (gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, xuất hiện năm 2002).
Mặc dù việc xác định hình dạng và cấu trúc của virus không giúp ngăn chặn virus nhưng cung cấp cho các nhà khoa học những manh mối quan trọng về cách thức xâm nhập, tác động của loại virus này. Cụ thể, theo kết quả khám nghiệm tử thi đầu tiên của một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mới được các nhà khoa học Trung Quốc công bố cho thấy, phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất. Loại virus này chủ yếu gây viêm ở các vùng sâu hơn của đường thở và các phế nang.
Hiện tượng xơ hóa phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra không nặng như ở bệnh nhân nhiễm SARS, nhưng tình trạng xung huyết có biểu hiện rõ rệt hơn. Đối với cơ tim và ngoại tâm mạc, thận, lá lách, cơ quan tiêu hóa, não bộ, việc có hay không biểu hiện tổn thương do SARS-CoV-2 cần nghiên cứu thêm.
Các chuyên gia đánh giá, việc công bố rộng rãi hình ảnh của chủng virus Corona mới này cũng giúp đưa ra những cách thức phòng bệnh đúng đắn nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm. Ngay lập tức, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề ra 10 biện phòng ngừa cơ bản cho cá nhân nhằm ngăn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo của WHO, 10 bước phòng ngừa cá nhân sẽ bao gồm rửa tay thường xuyên bằng dung dịch chứa cồn, hoặc với xà phòng và nước. Bước thứ hai là thường xuyên khử trùng các bề mặt như bàn, ghế. Tiếp đó là tự cập nhật kiến thức về dịch bệnh từ các nguồn đáng tin cậy như các cơ quan y tế công, trang web của WHO, hay chuyên gia y tế địa phương.
Đồng thời, người dân cần tránh đi lại khi bị sốt hoặc ho. Trong trường hợp bị ốm khi đang trên chuyến bay, cần báo cho phi hành đoàn ngay lập tức. Với những người trên 60 tuổi hay có mắc các bệnh tim mạch, hô hấp hay đái tháo đường, nguy cơ bệnh trở nên trầm trọng sẽ cao hơn. Do đó, người dân cần tránh những nơi đông người hay những khu vực dễ tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.
Những người cảm thấy không khỏe nên ở nhà và thăm khám bác sĩ. Điều này sẽ giúp người bệnh nhận được lời khuyên đúng đắn. Khi dưỡng bệnh tại nhà, người dân cần ăn ngủ và dùng đồ riêng với các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, nếu cảm thấy khó thở, hãy gọi bác sĩ và điều trị ngay lập tức. Điều cuối cùng là trong những môi trường hay cộng đồng đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người dân cần học cách đảm bảo an toàn tại trường học, công sở hay các địa điểm tôn giáo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh nguy cơ mắc bệnh còn phụ thuộc vào độ tuổi, nơi sống và sức khỏe của mỗi người. Do đó ông hối thúc người dân tuân thủ hướng dẫn quốc gia và tham vấn các chuyên gia y tế địa phương.