Hệ lụy chuyển đổi đất lúa sang dịch vụ

M.Lê 27/07/2019 05:00

Với số phiếu biểu quyết 84/84, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết danh mục dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố trong kỳ họp giữa tháng 7.

Theo Nghị quyết được thông qua, thành phố có 140 dự án với tổng diện tích 265 ha nằm trong danh mục cần thu hồi đất.

p/Tại TP.HCM, người dân ở 11 quận, huyện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Ảnh: Lê Quân

Tại TP.HCM, người dân ở 11 quận, huyện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Ảnh: Lê Quân

Đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất đô thị được chia thành 2 nhóm theo quy mô diện tích. Đối với nhóm có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lớn hơn 10 ha có 2 dự án với tổng diện tích khoảng 73,6 ha. Nhóm nhỏ hơn 10 ha có 109 dự án được chuyển đổi với tổng diện tích 106,5 ha.

Sau khi nghị quyết được thông qua, người dân tại 11 quận, huyện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất công nghiệp, dịch vụ với tổng diện tích khoảng 1.017 ha. Trong đó, nhiều nhất là huyện Củ Chi với 367 ha, huyện Hóc Môn có 161 ha, huyện Cần Giờ là 132 ha, huyện Bình Chánh với 126 ha và quận Bình Tân có 106 ha.

Cùng với việc thông qua nghị quyết, HĐND TPHCM cũng thông qua tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất (gọi tắt là hệ số K) năm 2019 tăng lên 0,4 lần so với năm ngoái. Theo đó, khi tăng hệ số K lên 0,4 thì hệ số sử dụng đất của các khu vực tăng cao nhất là 2,5 lần và thấp nhất là 1,3 lần (tùy theo khu vực).

Theo giải thích của chính quyền TP, việc điều chỉnh tăng hệ số giá đất không ảnh hưởng đến hộ gia đình, khi chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần diện tích trong hạn mức. Việc tăng hệ số K nếu nhà dân dính phần giải phóng mặt bằng để làm dự án thì mức bồi thường sẽ cao hơn.

Trước đó, trong tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP HCM và tỉnh Kiên Giang.

Từ 2016-2020, 26.246 ha đất nông nghiệp của TP HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 5.760 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có 2 vấn đề đã và đang nảy sinh từ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân. Đây sẽ là điều kiện để nhiều khu vực bất động sản có “lý do” chuyển mình. Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực, đầu nậu, đầu cơ sẽ thông qua nhóm cò mồi môi giới để nhắm thời điểm nghị quyết cho phép người dân chuyển đổi đất để thổi giá sản phẩm, “ghim” hàng đất nông nghiệp mua lại, tạo sóng ảo… cục bộ ở từng khu vực.

Ngoài ra, khi người dân được chuyển đổi đất trồng lúa sang dịch vụ, yếu tố hạ tầng cơ sở, kỹ thuật để tăng tính kết nối, đảm bảo người dân có thể tăng hiệu quả sử dụng đất là cần thiết và các địa phương trên địa bàn cũng phải tính toán, để có một quy hoạch-đầu tư chung đồng bộ, toàn diện, phù hợp thực tiễn.

Trong trường hợp thiếu hạ tầng kết nối cũng như thiếu định hướng tăng cường tận dụng quỹ đất mới đi cùng chính sách giãn dân, hay thiếu cơ chế hỗ trợ người dân có đất bị dính dự án cần giải phóng mặt bằng… hiệu quả của chính sách cũng có thể suy giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ lụy chuyển đổi đất lúa sang dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO