Hệ lụy gì khi Mỹ rút khỏi JCPOA?

Thụy Vân 16/05/2018 11:49

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) không chỉ khiến Iran hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ, mà cả các quốc gia đối tác của Iran cũng có nguy cơ bị vạ lây.

Ông Trump đã đi ngược con đường mà ông Barack Obama- người tiền nhiệm của ông, đã đi trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Ông Trump đã đi ngược con đường mà ông Barack Obama- người tiền nhiệm của ông, đã đi trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

JCPOA được ký kết giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức với Iran vào năm 2015. Theo đó, Iran ngừng chương trình hạt nhân đến năm 2025, và phía Mỹ cùng các nước thành viên còn lại của Thỏa thuận chấm dứt những biện pháp trừng phạt Iran về kinh tế, tài chính và thương mại.

Xóa bỏ “di sản” của Barack Obama

Do JCPOA không phải là thoả thuận song phương giữa Mỹ và Iran nên việc Mỹ rút khỏi JCPOA không có nghĩa là thoả thuận này đã bị xoá sổ, trừ khi Iran cũng rút khỏi thoả thuận này.

Phía EU, sau khi thất bại trong việc thuyết phục ông Trump không rút khỏi JCPOA, giờ chuyển sang vận động Iran tiếp tục duy trì Thoả thuận. Iran cho biết, trước mắt vẫn thực thi Thoả thuận. Quốc gia này sẽ chỉ chấm dứt tham gia JCPOA và nối lại chương trình hạt nhân khi Mỹ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Sau khi đưa ra quyết định nói trên, ông Trump cảnh báo, nếu Iran khôi phục chương trình hạt nhân, sẽ phải chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton quả quyết rằng, Mỹ rút khỏi JCPOA không có nghĩa là quốc gia này phát động chiến tranh với Iran. Điều đó cho thấy, ông Trump và các cộng sự suy tính rằng Mỹ rút khỏi JCPOA nhưng không vì thế mà Iran nối lại chương trình hạt nhân do nước này cùng với 5 thành viên còn lại tiếp tục thực thi JCPOA. Phía Mỹ cũng thừa hiểu rằng, khi Mỹ rút khỏi JCPOA thì nước này không còn có lý do gì để yêu cầu Iran phải tiếp tục tuân thủ Thoả thuận, và Mỹ cũng đã tính đến khả năng Iran cũng sẽ rút khỏi thoả thuận.

Ông Trump đã đi ngược con đường mà ông Barack Obama- người tiền nhiệm của ông, đã đi trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. JCPOA không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trước JCPOA, còn có 2 hiệp ước được Mỹ ký kết ở thời ông Barack Obama cũng đã bị ông Trump lật ngược là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ông Trump cũng đang đề nghị Canada và Mexico đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ dẫn tới tác động, hậu quả và hệ luỵ nghiêm trọng hơn nhiều vì động chạm trực tiếp đến an ninh, chính trị an ninh khu vực Trung Đông và thế giới cũng như nhiều mối quan hệ quốc tế mà ông Trump và cộng sự hiện không có giải pháp thay thế.

Đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ

Phía Mỹ không có cái gọi là Kế hoạch B. JCPOA được coi là thành quả cầm quyền nổi bật nhất và có ý nghĩa nhất của ông Obama và thành công ngoại giao lớn nhất cho tới nay của EU. Ông Trump vốn không dấu diếm quan điểm không coi trọng EU và khao khát xoá bỏ mọi dấu ấn cầm quyền của người tiền nhiệm. Ngay từ khi còn vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã công khai coi JCPOA là thoả thuận tồi tệ nhất mà nước Mỹ đã từng ký kết và cam kết sẽ rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA nếu đắc cử Tổng thống và đàm phán thoả thuận mới với Iran.

Đến nay, Mỹ đã rút khỏi JCPOA, nhưng trên thực tế số phận của thoả thuận này vẫn phụ thuộc vào Mỹ. Trước mắt, EU và Iran cùng với Nga và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực thi thoả thuận này, và nhiều khả năng Mỹ sẽ khôi phục những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran như trước khi có JCPOA. EU vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Iran để khích lệ Iran không rút khỏi JCPOA và khôi phục chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nếu Mỹ trừng phạt Iran và tất cả các quốc gia có quan hệ hợp tác với Iran, thì EU có thể sẽ không tiếp tục chính sách nói trên. Khi đó, chắc chắn Iran cũng sẽ rút khỏi Thoả thuận và nối lại chương trình hạt nhân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ lụy gì khi Mỹ rút khỏi JCPOA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO