Việc MCM ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc là một bước đi khá hợp thời.
>>Be Group và tham vọng hệ sinh thái số
Công ty cổ phần Bản quyền âm nhạc trực tuyến (MCM Online) vừa công bố sản phẩm mới là hệ sinh thái bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet đầu tiên của Việt Nam. Sản phẩm gồm hai công nghệ: bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking.
Trong đó, Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả bản nhạc, cấp khóa giải mã cho mỗi lần sử dụng. Cứ mỗi lần hệ thống cấp khóa, thì được đếm như một lần sử dụng tác phẩm, hay tương đương là một lần xin phép sử dụng sản phẩm. Do đó, Sigma DRM giúp minh bạch số lần sử dụng tác phẩm trên môi trường Internet. Còn công nghệ Sigma Watermarking có nhiệm vụ đánh dấu khi muốn phân phối hoặc phái sinh một tác phẩm âm nhạc. Tức là công nghệ này giúp tác giả truy vết, kiểm tra nguồn gốc, theo dõi việc phân phối và sử dụng sản phẩm.
Như vậy, sản phẩm MCM có thể đảm bảo ba yếu tố, bảo vệ, minh bạch, và khả năng truy vết khi phân phối một tác phẩm âm nhạc trên Internet. Từ đó góp phần ngăn chặn việc vi phạm bản quyền âm nhạc trên internet, giúp tác giả/đơn vị sở hữu bản nhạc có thể bảo vệ sản phẩm, truy vết những vi phạm và tính được số lần sản phẩm của mình được sử dụng, không bị thiệt thòi.
>>“Chìa khoá” 5G và hệ sinh thái số
>>Bốn kịch bản cho nền sản xuất Việt Nam trong “hệ sinh thái số”
Các nền tảng mạng xã hội và game, giải trí cũng thúc đẩy xu hướng gia tăng giá trị bản quyền nhạc số.
Có thể nói đây là một sản phẩm rất hợp thời, bởi âm nhạc là một loại tài sản, và bản quyền âm nhạc đang ngày càng có giá trị, đặc biệt là đối với nhạc số.
Cuối năm 2020, thị trường bản quyền âm nhạc chứng kiến nhiều thương vụ mua bán rất lớn. Chẳng hạn Bob Dylan bán danh mục hơn 600 bài hát của mình cho Universal Music Publishing Group với giá 300 triệu USD. Hoặc Stevie Nicks bán hơn 80% cổ phần sở hữu các ca khúc cho nhà sản xuất âm nhạc Primary Wave với giá gần 100 triệu USD.
Theo các nhà sản xuất, các thương vụ mua bán kiểu này sẽ càng tăng giá hơn vì sự phổ biến của các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify hay Tidal. Một danh mục nhạc có thể kiếm tiền bản quyền hằng năm tăng 10 - 20 lần so với chỉ 8 - 13 lần trong những năm trở lại đây.
Thêm vào đó, các nền tảng mạng xã hội và game, giải trí cũng thúc đẩy xu hướng gia tăng giá trị bản quyền nhạc số. Nền kinh tế kỹ thuật số cũng cần có nhạc nền, và các ông lớn như TikTok, Peloton hay Epic Games đang đầu tư mạnh để sở hữu những giai điệu bắt tai nhất.
Tại Việt Nam, sản phẩm của MCM ra mắt vào thời điểm cũng khá thích hợp. Thứ nhất, là hiện tại bản quyền nhạc số vẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn những vụ lùm xùm từ ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son và “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Vì những lỗ hổng trong việc bảo vệ bản quyền âm nhạc dẫn đến những trường hợp như tác giả bài hát bị đánh bản quyền chính tác phẩm của mình, hay quốc ca cũng… vi phạm bản quyền!
Thứ hai, âm nhạc đang ngày càng được coi trọng hơn trong marketing. Đơn cử, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng thỏa thuận với công ty giải trí SpaceSpeaker Group, “ngôi nhà” của những nghệ sĩ Vbiz nổi tiếng như Binz, Soobin Hoàng Sơn, Touliver, để đơn vị này sản xuất bài hát chủ đề và tư vấn chiến lược sử dụng âm nhạc trong marketing và branding. Khi marketing bằng âm nhạc càng phổ biến, thì cũng cần những công cụ để đo lường. Và khi đó sản phẩm của MCM sẽ có đất dụng võ.
Với sự “hợp thời” này, hy vọng sản phẩm của MCM sẽ được triển khai rộng rãi và trở thành một công cụ hữu ích cho cả bên sáng tạo âm nhạc, bên hưởng thụ và cả các nhà marketing.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 23/12/2020
02:00, 08/11/2020
10:37, 16/10/2020
09:56, 16/10/2020
11:01, 13/07/2018