Heo nhập lậu có thể khiến người nông dân "mất Tết"

HÀ THU 01/02/2024 02:00

Trong 2 tuần đầu của năm 2024, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam.

>>Liên tiếp triệt phá hàng lậu trên đường thâm nhập thị trường nội địa

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai vừa gửi văn bản kiến nghị tình trạng heo nhập lậu vẫn phức tạp.

Văn bản hỏa tốc của Hiệp hội này gửi đến Thủ tướng nêu rõ: Ngày 1/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam.

Nhưng thực tế, sau công điện này, một số cơ quan truyền thông, trong đó có Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tiếp tục phản ánh về tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, gia tăng nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Lực lượng BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ số lượng lớn heo nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.

Lực lượng bộ đội biên phòng bắt giữ số lượng lớn heo nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, vào thời điểm Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên việc nhập lậu tiếp tục tăng đột biến.

Cụ thể, trong 2 tuần đầu của năm 2024, từ ngày 1-15/1/2024, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát lực lượng thú y các địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Báo cáo tại Hội nghị về chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới do Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều 26/01/2024 vừa qua, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh: "Người chăn nuôi đã liên tục thua lỗ, bán cả nhà, cả đất, sắp tới còn phải bỏ cả nghề nữa vì không cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu và nhập lậu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Các địa phương không thể ngó lơ không biết, chỉ cần kiểm soát chặt những trại gần biên giới, theo dõi diễn biến tăng đàn, tăng lượng giết mổ bất thường là nắm được ngay".

>>Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trong bối cảnh mới

Hiện giá thành chăn nuôi heo hơi tại Campuchia chỉ khoảng 42.000 - 48.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam trên dưới 54.000 đồng/kg, việc chênh lệch về giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng heo nhập lậu bùng phát kéo dài".

Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai 

Thừa nhận thực tế đúng như báo chí và các hiệp hội phản ánh, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, đúng là có những đường dây buôn lậu heo sống rất lớn. Trước đây, heo nhập lậu di chuyển theo biên giới tỉnh Bình Phước, nhưng bây giờ chuyển hướng sang Tây Ninh.

"Chúng tôi đã theo dõi và xác định vị trí tiêu thụ cuối là lò mổ ở Bình Dương, lô hàng này có 8.000 con heo được chuyển từ Thái Lan về đến cửa khẩu Tây Ninh sau đó đưa về Bình Dương giết mổ. Biết là vậy nhưng trong khâu xử lý thì lại rất khó bởi Cảnh sát kinh tế nói tôi không có chức năng hoạt động ở biên giới nên phải chờ vào đến nội địa. Mà vào rồi thì khi bắt phải chứng minh đó là heo từ biên giới về. Nếu không chứng minh được thì heo tiêu thụ nội địa cũng không có tội. Để chứng minh được thì quản lý thị trường bảo cần có công an giao thông chứ tôi không dừng xe được. Thú y thì bảo rằng lực lượng mỏng quá". - ông Xuân nói.

Đại diện tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động chống nhập lậu gia súc từ Campuchia qua biên giới và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo bà Khánh, cái khó hiện nay là câu chuyện "ngoại giao đường biên" với tính chất trao đổi, hỗ trợ cư dân dọc biên giới của hai nước, dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý thỏa đáng. Bà Khánh kiến nghị Nhà nước và bộ, ngành cần xem xét, hướng dẫn thêm về vấn đề này. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần kiến nghị với ngành công an để phối hợp tổ chức một chuyên án điều tra lớn ở nhiều tỉnh thành về chống buôn lậu gia súc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc kiểm soát heo nhập lậu là việc làm thường xuyên, cần phải tăng cường đặc biệt ở thời điểm cận Tết. Nếu không kiểm soát chặt, thịt nhập lậu sẽ đem theo mầm bệnh vào Việt Nam gây bùng phát dịch bệnh mới, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh tới sản phẩm nội địa. “Để ngăn chặn nhập lậu, Thủ tướng đã có yêu cầu tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề này. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như công an, biên phòng, hải quan…”, ông Đăng nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định: Ngành chăn nuôi đầu tư rất lớn, liên quan đến sinh kế của nhiều người dân và sức khỏe toàn xã hội. Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, các hộ nông dân đã đầu tư cho ngành chăn nuôi rất lớn, thường xuyên là trụ cột quan trọng để duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Nhưng hiện nay tình hình buông lỏng nhập khẩu thịt đông lạnh, bỏ ngỏ để thịt sống nhập qua biên giới đe dọa đến ngành chăn nuôi nội địa là không thể chấp nhận được.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu khiển trách ngay một đơn vị thuộc Bộ vì có thái độ quan tâm chưa đúng mức. "Nếu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng nhập lậu. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có các cuộc họp tiếp theo với từng địa phương để có các giải pháp cụ thể kiểm soát chặt việc nhập lậu gia súc. Các địa phương cần xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ sẽ chỉ đạo liên tục để tạo được sự ổn định hướng đến phát triển bền vững".

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Hàng lậu có dấu hiệu “nở rộ” dịp cuối năm?

    02:50, 23/11/2023

  • Liên tiếp triệt phá hàng lậu trên đường thâm nhập thị trường nội địa

    14:42, 18/04/2022

  • Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trong bối cảnh mới

    12:30, 09/02/2022

  • Hải Phòng: Tàu từng chở hàng lậu, có dấu hiệu bị phá dỡ làm sắt vụn

    04:00, 14/11/2021

  • Hoàn thiện pháp lý để đấu tranh với hàng giả, hàng lậu

    17:00, 28/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Heo nhập lậu có thể khiến người nông dân "mất Tết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO