Doanh nghiệp

Hiện thực hóa "giấc mơ" bán dẫn Việt Nam

Đặng Trường thực hiện 01/05/2025 06:01

Trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ về những cơ hội, thách thức và con đường để ngành vi mạch Việt Nam bứt phá.

Hơn 10 năm trước, khi đang giữ vị trí lãnh đạo tại Marvell Technology ở Mỹ với mức lương đáng mơ ước, TS Lê Quang Đạm đã chọn trở về Việt Nam với một khát vọng lớn: xây dựng đội ngũ kỹ sư vi mạch Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới.

le-quang-dam.jpg
TS Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam.

- Nhiều người cho rằng Việt Nam không có nền tảng trong ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất vi mạch. Ông nghĩ sao về điều này?

Điều này không đúng! Việt Nam đã có những nền tảng cho ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất vi mạch từ hơn 25 năm trước. Có thể nhiều người, thậm chí cả những người trong ngành bán dẫn, vẫn chưa biết rằng ngay từ những năm 2000, chúng ta đã có những công ty tiên phong trong lĩnh vực này.

Dù có những giai đoạn thăng trầm, ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam vẫn không ngừng phát triển. Số lượng công ty trong lĩnh vực này đã tăng đáng kể, và theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 60 công ty hoạt động trong ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. TP.HCM vẫn là trung tâm chính với khoảng 85% doanh nghiệp tập trung tại đây, trong khi Đà Nẵng và Hà Nội chiếm khoảng 7-8%.

Không chỉ số lượng công ty gia tăng, đội ngũ kỹ sư vi mạch của Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 2000 chỉ có khoảng 30 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này, chủ yếu ở các công ty như SPS, Orion Technology, thì từ năm 2005 đến 2010, con số này đã tăng nhanh chóng. Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch.

- Ngoài bài toán thiếu nhân lực và vốn, đâu là những thách thức khác mà ngành bán dẫn Việt Nam đang phải đối mặt, thưa ông?

Một trong những rào cản lớn nhất là cơ chế xuất nhập khẩu các thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi mua sắm thiết bị đặc thù cho phòng thí nghiệm, đào tạo kỹ sư hay kiểm định chip. Quy trình thủ tục rườm rà và thời gian chờ đợi kéo dài đang làm chậm tốc độ phát triển của ngành.

Đặc biệt, việc nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng từ công ty mẹ về Việt Nam lại càng khó khăn hơn. Trong khi nhiều quốc gia tạo điều kiện cho ngành bán dẫn tận dụng thiết bị cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng, thì ở Việt Nam, các quy định chưa thực sự cởi mở với nhóm thiết bị này.

marvell-vietnam-hcm-34b_resize.jpg
Trung tâm Thiết kế Vi mạch của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận, TP HCM.

Một thách thức quan trọng khác là làm thế nào để thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành. Không chỉ lương, thưởng hay môi trường làm việc, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa có cơ chế rõ ràng cho nhân viên hưởng lợi từ chương trình cổ phiếu thưởng (ESOP, RSU) như ở Mỹ hay châu Âu. Đây là một trong những yếu tố giúp các tập đoàn công nghệ lớn giữ chân nhân tài.

Tuy nhiên, hiện tại, các quy định về quản lý ngoại tệ và giao dịch cổ phiếu quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế, khiến nhân viên tại Việt Nam khó tiếp cận những chương trình này. Nếu Chính phủ và Bộ Tài chính có thể nghiên cứu, điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện cho nhân sự trong ngành công nghệ tiếp cận ESOP, chúng ta sẽ có thêm một lợi thế lớn để thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

- Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng một chiến lược nhân lực bền vững cho ngành bán dẫn?

Theo tôi, có hai giải pháp cần triển khai song song: Thứ nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực từ gốc, tức là ngay từ học sinh, sinh viên. Đây là một cuộc đầu tư dài hơi, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ để đào tạo sinh viên theo đúng định hướng thị trường.

Thứ hai, thu hút nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt là các kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên gia trong ngành. Để làm được điều này, Việt Nam cần một môi trường làm việc cởi mở, ít rào cản và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, tương xứng với các nước phát triển.

Điều tôi cảm thấy lạc quan nhất là sự đồng lòng của các bên liên quan. Khi nói về ngành bán dẫn – một lĩnh vực khoa học công nghệ mang tính chiến lược – thì sự kết hợp giữa chính sách Nhà nước, đào tạo nhân lực và cam kết của doanh nghiệp chính là chìa khóa để thành công.

Nhưng chỉ ba yếu tố này là chưa đủ! Muốn bứt phá, chúng ta cần đánh thức lòng tự hào và tinh thần cống hiến của người Việt trên toàn cầu. Từ các kỹ sư trẻ trong nước đến cộng đồng Việt kiều, mỗi người đều có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Nếu chúng ta cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, Việt Nam hoàn toàn có thể sắm một vai quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Tôi hy vọng tất cả chúng ta – dù làm trong ngành hay không – đều có thể chung tay để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vươn xa trong những năm tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiện thực hóa "giấc mơ" bán dẫn Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO