Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường cho vay thay thế tại Việt Nam dần được định hình.
Nhưng thị trường này được vận hành dựa trên những căn cứ pháp lý hoàn toàn khác với thị trường ngân hàng truyền thống, đơn giản và có phần thiếu hoàn thiện hơn.
Thực chất, hoạt động cho vay thay thế đã xuất hiện từ khá lâu, trước cả khi các ngân hàng chú trọng vào hoạt động ngân hàng bán lẻ. Nhưng gần đây, thị trường này mới được chú ý đến và do đó, hình hài của thị trường cũng mới trở nên rõ nét. Theo báo cáo mới nhất của Fiin Group thì có 4 loại hình cho vay thay thế đang hoạt động. Đầu tiên là cho vay dựa trên tài sản đảm bảo (title lending) hay còn được gọi một cách dân dã là vay cầm cố, vay cầm đồ. Thứ hai là cho vay ngang hàng (P2P Lending), chủ yếu hoạt động thông qua các ứng dụng di động (app). Hai loại hình còn lại là cho vay ngắn ngày (Payday lending) và mua trước trả sau (BNPL). Tuy nhiên, hiện trạng hoạt động của mỗi loại hình là rất khác nhau.
Cho vay dựa trên tài sản đảm bảo chiếm tỉ trọng cao nhất, gần 60% thị trường. Phân khúc này ghi nhận hai mô hình kinh doanh hoạt động song song, gồm các doanh nghiệp/hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống và các doanh nghiệp hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ như F88. Hiểu một cách đơn giản hơn thì giống như thị trường xe ôm vừa có xe ôm truyền thống, vừa có xe ôm công nghệ. Phân khúc cho vay ngang hàng và cho vay ngắn ngày có điểm chung là đa phần hoạt động trên môi trường online, phần nhiều là qua các ứng dụng di động (app). Đặc biệt là phân khúc cho vay ngắn ngày, nhiều trường hợp còn do các công ty công nghệ nước ngoài điều hành. Còn mua trước trả sau (BNPL) thì mới "phổ cập" trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá chứ chưa có tác động một cách rộng rãi như ba loại hình còn lại.
Điểm chung của tất cả các hình thức cho vay thay thế trên là thủ tục đơn giản, khoản vay nhỏ, ngắn hạn, không cần thế chấp hay yêu cầu có lịch sử tín dụng tốt như tiêu chuẩn ngân hàng. Việc không yêu cầu lịch sử tín dụng tốt như tiêu chuẩn ngân hàng đã khiến nhiều người gọi đây là thị trường cho vay "dưới chuẩn". Nhưng cũng chính vì tên gọi trên mà nhiều người cho rằng thị trường này hoạt động một cách tự phát, "dưới chuẩn" và không có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Trong hệ sinh thái tài chính thay thế, căn cứ pháp lý của hoạt động cho vay cầm cố được xem là hoàn chỉnh nhất dù rằng vẫn có những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm cố tài sản đều hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và Nghị định 96 sửa đổi năm 2023) và các quy định về phòng chống rửa tiền. Trong khi đó, các mô hình còn lại hiện chưa có hành lang pháp lý đồng bộ và phần lớn chỉ hoạt động dựa trên hợp đồng dân sự, dẫn đến khó khăn trong kiểm soát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng. Riêng hoạt động cho vay ngang hàng, từ ngày 1/7/2025, sẽ hoạt động theo cơ chế “sandbox” cho fintech và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ là đơn vị cấp phép, giám sát. Dù vậy, vẫn cần nhấn mạnh rằng cầm đồ vẫn là mô hình tài chính thay thế duy nhất đang được giám sát liên tục. Baker McKenzie Việt Nam - công ty thành viên của một trong những tập đoàn tư vấn luật tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới - đã đánh giá mô hình cầm đồ là “có kiểm soát” nhờ các yếu tố giấy phép, bảo đảm tài sản và luồng vốn minh bạch.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính thay thế tại Việt Nam đang vận hành theo mô hình “đại lý tài chính”, tức không trực tiếp nắm giữ dòng vốn hay đưa ra quyết định giải ngân. Thay vào đó, họ hoạt động như điểm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định tài sản bảo đảm và hỗ trợ quy trình vay vốn, trong khi khoản vay được giải ngân bởi các tổ chức tín dụng được cấp phép. Tiêu biểu là việc F88 biến gần 900 cửa hàng tài chính thành phòng giao dịch Ngân hàng Quân đội (MB). Mô hình này giúp tách bạch vai trò dịch vụ tín dụng, qua đó giảm rủi ro pháp lý phát sinh từ việc xử lý dòng tiền trực tiếp. Đối với cơ quan giám sát, đây cũng là cấu trúc dễ kiểm toán hơn vì vốn nằm trong hệ thống ngân hàng.
Theo một số quan sát thực tế, mức lãi suất trong mô hình này thường được áp dụng linh hoạt theo từng nhóm khách hàng và nằm trong giới hạn khung Bộ luật Dân sự (điều 468) cho phép (tối đa 20%/năm, nếu không có thỏa thuận khác). Tuy nhiên, phần chi phí ngoài lãi như phí bảo quản tài sản, bảo hiểm hoặc dịch vụ liên kết hiện vẫn chưa có chuẩn hóa, tùy thuộc vào năng lực vận hành của từng đơn vị.
Một trong những nhầm lẫn phổ biến của nhà đầu tư cá nhân khi đánh giá thị trường tài chính thay thế đã đồng nhất các mô hình “không phải ngân hàng” đều rủi ro như nhau. Trên thực tế, mỗi loại hình, thậm chí mỗi doanh nghiệp lại có những mức độ rủi ro khác nhau và điểm phân biệt không nằm ở tên gọi hay công nghệ, mà ở cách doanh nghiệp chọn hành lang pháp lý để vận hành: đi trong vùng pháp luật hiện hữu hay chọn cách phát triển vượt khung kiểm soát. Sự khác biệt về pháp lý cũng tạo ra khác biệt về định giá: các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, được kiểm toán, có quy trình nội bộ rõ ràng, thường được thị trường vốn đánh giá cao hơn không chỉ vì họ “đúng luật”, mà còn vì có thể dự đoán rủi ro và phản ứng trong giám sát.
Ở nhiều thị trường phát triển như Mỹ, Thái Lan hay Ấn Độ, các mô hình tài chính thay thế như “title lending”, BNPL, hay P2P đều đã từng trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh trong vùng xám pháp lý trước khi được luật hóa thành những cấu phần chính thức trong hệ sinh thái tài chính. Và điểm chung của doanh nghiệp là xây dựng nền tảng vận hành minh bạch, kiểm soát rủi ro từ bên trong. Những bước đi này không chỉ giúp họ vượt qua các giai đoạn thanh lọc của thị trường, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn khi luật chính thức ban hành.
Ở Việt Nam, dù “miếng bánh” thị trường tài chính thay thế được nhận định còn lớn, đặc biệt ở nhóm dân cư chưa tiếp cận tín dụng chính thống nhưng hành lang pháp lý vẫn còn chỉ đang ở bước đầu hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp lựa chọn phát triển theo hướng tuân thủ, minh bạch, và gắn kết với hệ thống giám sát sẽ là yếu tố phân hóa rõ ràng về định giá và mức độ tín nhiệm. Điều này cũng sẽ giúp nhà đầu tư có được những cơ sở đầu tiên để xác định đâu là doanh nghiệp có khả năng trở thành chuẩn mực trong một ngành vẫn đang hình thành.