Bằng giả là hệ quả của rất nhiều vấn đề sâu xa về quy chuẩn đánh giá tiềm năng con người và khoa học lao động.
Khi còn công tác trong một tổ chức đoàn thể, tôi từng chứng kiến sự việc đau đớn liên quan đến tính thật giả của tấm bằng tốt nghiệp THPT của đồng nghiệp cấp dưới.
Chị là cán bộ nữ, lớn tuổi, có chức vụ. Là người năng động, đủ kỹ năng “mềm” để tham gia công tác trong lĩnh vực cần nhiều uy tín cá nhân hơn là bằng cấp. Song, bằng cách nào đó “tổ chức” đã nhận được lá đơn tố cáo tấm bằng tốt nghiệp THPT của chị được mua trọn bộ.
Thật không may, kết quả xác minh đúng như đơn tố cáo. Chị bị đình chỉ công tác, cách chức vì “không đủ tiêu chuẩn”, lại vi phạm trầm trọng đạo đức cán bộ, công chức.
Từ đó hầu như chị không dám đối diện với mọi người, có lẽ quá ê chề vì mấy chục năm đóng góp cống hiến bị chà đạp dưới miệng lưỡi dèm pha của dư luận. Chị vừa đáng thương vừa đáng trách.
Đáng thương ở chỗ, chị cũng là một trong rất nhiều trường hợp trở thành “nạn nhân” của chủ nghĩa bằng cấp. Chưa có mảnh giấy “thông hành” gọi là bằng ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyên môn công tác.
Song, chị cũng đáng trách vì không dám đối diện với sự thật, khiếm khuyết của bản thân để rồi trở thành “cầu” của ngành dịch vụ cung cấp giấy tờ giả đang âm thầm tồn tại trong xã hội này.
Đâu chỉ là cấp cơ sở, nhiều vị tai to mặt lớn ở nhiều huyện, tỉnh, thành phố cũng từng dính phốt bằng giả. Đó là những tấm bằng “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ”, “Đại học”, chứng chỉ A,B,C…mà suy cho cùng công dụng của chỉ chỉ để…giới thiệu giải quyết khâu oai!
Bằng cấp giả mạo là chuyện rất cũ ở nước ta nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự. Điều mất mát lớn nhất trong những sự việc bị bại lộ là càng làm xấu thêm hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt dân chúng và hệ quả tiếp theo thật khó đong đếm.
Trường Đại học Đông Đô vừa bị phát hiện “thương vụ” kinh thiên động địa khi đã cấp hơn 600 văn bằng cử nhân tiếng Anh giả, trong số đó khách hàng lại là một bộ phận cán bộ, công chức.
Thực sự để nói, nếu như cơ quan tổ chức cần người có trình độ tiếng Anh thì tấm bằng - nếu không đi kèm năng lực thì sớm muộn cũng bị lộ mà không cần phải điều tra, tìm hiểu. Cho dù là học thật mà không đủ kỹ năng ngoại ngữ thì tấm bằng ấy về bản chất cũng là dỏm!
Hơn 600 mảnh giấy gọi là bằng Đại học này là hệ quả của chủ nghĩa bằng cấp, quy định để được tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng lương…Vì vậy, người ta chỉ việc tìm cho có để khai vào hồ sơ mà bất cần quan tâm công dụng thực tế của nó trong công việc.
Kể cả những tổ chức sử dụng con người cũng xem tấm bằng là thước đo cho tất cả mà quên rằng, từ mấy trăm năm nay người phương Tây lại xem hiệu quả công việc mới là biểu hiện của kỹ năng, năng lực người lao động.
Các ông lớn công nghệ như Apple, Google, IBM tuyển dụng nhiều vị trí quan trọng nhưng không bắt buộc bằng đại học. Họ dùng bộ câu hỏi logic để đánh giá khả năng tư duy của ứng viên.
Có cầu ắt hẳn có cung, kể cả buôn hàng quốc cấm, chịu án tử hình mà có lãi người ta vẫn làm, huống hồ khung hình phạt cho tội làm giả giấy tờ, tài liệu kịch khung chỉ 7 năm tù!?
Làm sao để dẹp vấn nạn này? Cần tăng khung hình phạt cho loại tội phạm này, đặc biệt bằng giả liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm,…
Nhưng cách triệt để nhất là dẹp bỏ chủ nghĩa sính bằng cấp từ các cơ quan nhà nước. Thay vì căn cứ vào giấy tờ để đánh giá con người thì phải xây dựng hệ quy chiếu thực tế hơn trong đánh giá chất lượng công việc.
Thay vì yêu cầu chứng chỉ tiếng ngoại ngữ, Tin học,… thì có thể kiểm tra năng lực trực tiếp để bổ nhiệm, tuyển dụng. Nếu những công việc không cần ngoại ngữ, chứng chỉ trên trời dưới đất thì lược bỏ khỏi quy định.
Trên tất cả, năng lực thực tiễn của người lao động là quan trọng nhất. Đôi khi để có con người tốt cần phải “xé rào”. Nhưng rất tiếc chưa bao giờ cơ quan nhà nước có tiền lệ này, trừ một vài trường hợp được Bác Hồ chọn lựa mời về.
Nói như vậy không phải hạ thấp bằng cấp mà bằng cấp chỉ có giá trị khi và chỉ khi cấp độ của nó phù hợp với trình độ người lao động. Xét tới cùng đằng sau tấm bằng là quá trình tích lũy tri thức, xây dựng tư duy khoáng đạt, trui rèn kỹ năng để làm việc.
Nhưng càng coi trọng bằng cấp càng tạo điều kiện cho những trường Đại học như Đông Đô có cơ hội tồn tại. Chỉ có những cơ sở kém uy tín mới sẵn sàng bán rẻ danh dự của mình vì tiền.
Chung quy lại, chúng ta còn thiếu hệ quy chiếu giá trị đánh giá con người nên tất cả đều thông qua hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp.
Có thể bạn quan tâm
"Đòi giám đốc phải có bằng đại học thì làm sao startup"
00:26, 25/02/2020
Khởi nghiệp nông nghiệp: Cất bằng đại học về quê nuôi heo với thu nhập 9 tỷ/năm
08:38, 22/07/2020
Không có bằng đại học, bạn vẫn có thể làm sếp nếu hội đủ 3 yếu tố này
04:23, 25/10/2018
Buôn bán cổ vật phải có bằng đại học: Làm khó người kinh doanh!
15:30, 18/10/2018
3 hãng công nghệ tuyển nhân viên không cần bằng đại học
04:06, 29/08/2018
Không có bằng đại học, bạn vẫn có thể làm sếp nếu hội đủ 3 yếu tố này
04:26, 11/07/2018