Đó là khẳng định của ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về đề xuất điều tra nghi vấn bán phá giá thép cán nóng trong nước.
Trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam, việc bảo vệ ngành công nghiệp thép thượng nguồn là ưu tiên hàng đầu. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho nhiều lĩnh vực sản xuất và chế tạo quan trọng, bao gồm cơ khí, đóng tàu, ô tô, xe máy, đồ gia dụng, cũng như các ngành quốc phòng, khai khoáng và công nghiệp điện. Vì vậy, việc tự chủ về sản xuất thép thượng nguồn là bước đi cần thiết để đảm bảo tự chủ về nguyên vật liệu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.
Thép cán nóng ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam
Theo con số thống kê từ VSA, nhu cầu thép cán nóng phục vụ nhu cầu trong nước hiện khoảng 11 triệu tấn mỗi năm, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là hai đơn vị sản xuất thép HRC, mỗi năm sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu trong nước. Những năm qua, Hòa Phát và FHS không ngừng cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất để đáp ứng cung cấp đủ lượng hàng hóa cũng như đảm bảo chất lượng cho thị trường trong nước, nâng cao mức độ tự chủ của nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo số liệu từ hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2023 là 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, bằng 143% so với sản lượng sản xuất trong nước. Ước tính quý I/2024, con số này tăng vọt lên đến 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với sản lượng sản xuất nội địa, trong đó lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%.
Sự gia tăng mạnh mẽ của thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước. Năm 2023, sản lượng sản xuất chỉ đạt 79% so với công suất khả dụng, giảm mạnh so với mức 86% vào năm 2021, phần lớn do sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, thị phần bán hàng nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh giảm từ 45% xuống còn 30%, trong khi tỷ lệ nhập khẩu tăng từ 32% lên gần 46%. Dự báo, tình trạng nhập khẩu thép sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2024, đặt ra thêm thách thức cho sản xuất nội địa.
Lượng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc tăng đột biến là do giá thép HRC Trung Quốc nhập về Việt Nam đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý IV/2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá nhập khẩu thép HRC Trung Quốc chỉ còn 520-560 USD. Mức giá này có dấu hiệu bán phá giá, bán dưới giá thành, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng để không rơi vào thế bị động trong các hoạt động sản xuất có liên quan do quá phụ thuộc vào hàng nhập khẩu bán phá giá để chiếm thị trường.
Trước áp lực từ việc nhập khẩu thép, VSA đã phát đi cảnh báo từ năm 2023. Dựa trên đề xuất của Hiệp hội này, vào tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công Thương tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm thép, tuân thủ đúng quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước cũng như thép nhập khẩu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng vệ cần thiết và tuân thủ quy định của pháp luật trong nước cũng như quy định quốc tế để ngăn chặn tình trạng bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.
Điều tra chống bán phá giá là thông lệ phổ biến trên thế giới
Khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) không phải là hành động mới mẻ trên thế giới. Thực tế, đây là thông lệ phổ biến mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có dấu hiệu bất thường về lượng và giá bán của hàng nhập khẩu.
Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Global Trade Alerts, đến nay, thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ khoảng 14 quốc gia, qua hơn 40 vụ việc. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Australia, Brazil, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Anh và Ấn Độ, đều có ngành công nghiệp sản xuất thép cán nóng phát triển. Hầu hết các vụ việc điều tra đều dẫn tới kết luận là có hành vi bán phá giá hoặc được trợ cấp đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ với biên độ bán phá giá được xác định ở mức cao.
Trên thế giới, từ 2010 đến nay có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC được khởi xướng, tỷ lệ áp thuế là 100%. Trong đó Trung Quốc là quốc gia bị cáo buộc bán phá giá nhiều nhất.
Về nguyên tắc, không phải cứ điều tra là sẽ đi đến áp dụng thuế chống bán phá giá hay thuế tự vệ. Tuy nhiên, qua điều tra, các cơ quan quản lý nhà nước của các quốc gia sẽ có những phác thảo rõ ràng và chính xác về hiện trạng sản xuất trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu với mặt hàng đó. Từ đó có các chính sách phù hợp để quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu, tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh và không bị chảy máu ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.
Liên quan đến vấn đề trên, Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ việc khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC. Ông Tuất chỉ ra rằng, Việt Nam hiện không có hàng rào thuế quan cho mặt hàng này, nên việc điều tra nếu có dấu hiệu bán phá giá là cần thiết để bảo đảm sự minh bạch của thị trường và cũng là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong nước
“Nhà nước, Chính phủ phải hết sức hỗ trợ, can thiệp kịp thời không để thị trường vận hành một cách thiếu minh bạch, lành mạnh. Không thể để việc nhập khẩu thép cán nóng của Trung Quốc, Ân Độ lớn hơn sản lượng của ngành thép và cần khởi xướng điều tra cho rành mạch”, ông Tuất nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong định hướng phát triển của Chính phủ, để phát triển ngành công nghiệp bền vững thì phải ưu tiên phát triển sản xuất thượng nguồn. Theo ông, trước những dấu hiệu bán phá giá từ thép HRC nhập khẩu, Hiệp hội nhất quán việc khởi xướng điều tra. Đây là động thái quan trọng để thu thập dữ liệu chính xác, qua đó, đề xuất các biện pháp hợp lý nhằm bảo vệ ngành sản xuất thượng nguồn trong nước. “Tôi cho rằng việc điều tra chống bán phá giá thép cán nóng là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành thép Việt Nam. Đây cũng là việc làm hết sức bình thường và theo thông lệ quốc tế”. Ông Đa nhấn mạnh
Ông Đa cũng cung cấp thông tin hiện một số nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia… còn có những chính sách riêng nhằm bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, tạo ra ưu thế và làm tăng tính cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn cả đối với thị trường nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm