Nhiều yếu tố bất lợi cùng tác động đến ngành bia rượu Việt Nam, khiến Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) chìm trong thua lỗ kéo dài.
>>>Ngành bia, rượu, nước giải khát: Tìm hướng đi dài hạn
Trong quý 3/2022, HNR vẫn lỗ hơn 1 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 450 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 22 liên tiếp của HNR.
Báo cáo tài chính quý 3/2022 của HNR ghi nhận doanh thu thuần tăng tới 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm rượu đạt gần 19 tỷ đồng.
Sau khi trừ giá vốn hàng bán, HNR ghi nhận lãi gộp hơn 7 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận gộp đạt 36%. Tuy nhiên trong quý 3 này, HNR vẫn lỗ hơn 1 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện hơn nhiều so với mức lỗ hơn 4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức lỗ "nhẹ" nhất tính theo quý của HNR kể từ quý 1/2021, đồng thời đánh dấu quý lỗ thứ 22 liên tiếp kể từ quý 2/2017, khi công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh.
Năm 2022, HNR đặt mục tiêu doanh thu thuần 113 tỷ đồng và lãi trước thuế âm gần 25 tỷ đồng. Như vậy trải qua 3 quý đầu năm, doanh nghiệp này hoàn thành gần 71% mục tiêu doanh thu và còn cách tương đối xa mức lỗ dự kiến.
Nhìn lại hành trình thua lỗ liên tiếp của HNR, năm 2017, công ty lỗ gần 85 tỷ đồng, còn hai năm 2018 - 2019, lỗ lần lượt hơn 78 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Năm 2021, HNR cũng ghi nhận lỗ ròng 23,7 tỷ đồng, thấp hơn số lỗ gần 31 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020. Điều đáng nói, nguyên nhân thua lỗ của HNR không chỉ vì chi phí tăng, sức cạnh tranh giảm, mà còn do khâu điều hành và những quyết định gây nhiều tranh cãi của Ban điều hành công ty.
Sau 2 năm áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người tiêu dùng đã có xu hướng điều chỉnh thói quen uống rượu bia của mình, đặc biệt ở các thành phố lớn, khiến các công ty bia rượu nói chung và HNR nói riêng bị tác động tiêu cực.
Không chỉ dừng lại ở đó, các doanh nghiệp ngành bia rượu lại nhận "cú đấm bồi" khi làn sóng dịch COVID-19 lần 3, lần 4 bùng phát và các quy định giãn cách xã hội diễn ra trên nhiều tỉnh thành, kéo dài trong nhiều tháng.
Tại Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo HNR cho biết, năm nay công ty sẽ vẫn gặp khó khăn do Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tiêu thụ rượu bia, dự kiến tiếp tục tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75%.
450 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của HNR tính đến cuối quý 3/2022. HNR đã lỗ ròng quý thứ 22 liên tiếp.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh lớn từ các sản phẩm rượu tư nhân khác và nhiều hãng bia, rượu, nước giải khát nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam sau khi Việt Nam ký kết nhiều FTAs thế hệ mới, đã tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong ngành.
Ngoài ra, giá nguyên liệu, cùng cước phí vận chuyển đều tăng mạnh từ 10- 20%, cũng đã đẩy giá thành sản phẩm bia rượu tăng, gây khó khăn cho HNR.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho rằng giá nguyên liệu, cước vận chuyển tăng mạnh, cùng với việc dự kiến tăng hay áp thêm thuế sẽ dẫn tới tăng giá bia rượu, ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như mức đóng góp thuế cho ngân sách và cơ hội việc làm của người lao động.
Có thể bạn quan tâm