Tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe tại Hà Nội đang gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, cần học hỏi từ các quốc gia phát triển để cải thiện.
Mặc dù đã trải qua nhiều chiến dịch tuyên truyền và xử lý, tình trạng vỉa hè và lòng đường tại Hà Nội bị lấn chiếm để làm bãi đỗ xe vẫn còn phổ biến trên nhiều tuyến phố.
Tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là trên các con phố như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Trống... việc các phương tiện cá nhân chiếm dụng toàn bộ vỉa hè đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Không chỉ đỗ một hàng, thậm chí có tới hai hàng xe song song chiếm hết vỉa hè, buộc người đi bộ phải bước xuống lòng đường giữa dòng phương tiện di chuyển không ngừng.
Chị Thái Vân (22 tuổi), một cư dân sống tại phường Hàng Trống, đã gặp phải tình huống khó xử khi dẫn cháu nhỏ đi dạo: "Có lần tôi dẫn cháu đi dạo quanh khu vực, nhưng không thể nào di chuyển được trên vỉa hè vì bị xe đỗ kín. Cuối cùng, tôi phải bế cháu xuống lòng đường để đi tiếp, nhưng luôn lo lắng về an toàn khi xe cộ qua lại quá đông."
Chị Vân cũng cho biết thêm: "Đôi lúc tôi thấy lực lượng chức năng ra quân xử lý, nhưng chỉ sau một thời gian, mọi việc lại trở về như cũ."
Việc lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe không chỉ gây cản trở tầm nhìn của người đi đường và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ va chạm, tai nạn đáng tiếc, mà còn làm mất đi mỹ quan đô thị vốn có của Hà Nội.
Tình trạng này kéo dài lâu nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, ngoài những biện pháp đã được đề xuất trước đó như: tăng cường tuần tra kiểm soát, lắp đặt các chướng ngại vật, thiết kế vỉa hè tránh dừng đỗ,... thì việc học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển là vô cùng quan trọng.
Ví dụ, tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập các khu vực với mức giá đỗ xe khác nhau dựa trên mức độ tắc nghẽn giao thông. Những khu vực trung tâm có giá đỗ xe cao hơn nhằm khuyến khích việc giảm số lượng xe cá nhân vào trung tâm thành phố. Kết quả là, chỉ sau ba tháng, số lượng xe đỗ tại các bãi đỗ xe trên đường đã giảm 12% và xe đỗ dưới lòng đường giảm 19%, từ đó cải thiện lưu thông và giảm tắc nghẽn giao thông.
Tương tự như Bắc Kinh, tại Đức, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin và Munich, chính quyền địa phương đã thực hiện phân khu đỗ xe với các mức giá khác nhau. Đồng thời, Đức cũng khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng phương tiện công cộng bằng cách cung cấp các dịch vụ giao thông công cộng tiện lợi và chi phí hợp lý, khiến việc sử dụng xe cá nhân trở nên không cần thiết. Ngoài ra, những khu vực trung tâm thường cấm đỗ xe hoàn toàn, buộc người dân phải sử dụng bãi đỗ xe ngoài khu vực trung tâm hoặc các bãi đỗ ngầm
Hay như Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng với hệ thống quản lý đỗ xe cực kỳ chặt chẽ. Tại các khu vực đô thị, chính phủ yêu cầu người dân phải chứng minh họ có chỗ đỗ xe trước khi được cấp phép mua ô tô. Điều này giúp kiểm soát số lượng xe cá nhân lưu thông trong thành phố. Ngoài ra, Nhật Bản còn áp dụng các hệ thống đỗ xe tự động, như bãi đỗ xe thang máy, để tối ưu hóa không gian và giảm thiểu việc đỗ xe trái phép trên vỉa hè.
Những ví dụ này từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đức cho thấy các quốc gia phát triển áp dụng kết hợp giữa quy định chặt chẽ và hạ tầng sáng tạo để quản lý đỗ xe hiệu quả và ngăn chặn việc lạm dụng vỉa hè.