Theo Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), công ty luật hàng đầu của Mỹ, Baker McKenzie là một trong số những người chơi đứng sau “hệ thống bóng tối”.
Trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về chiếc hộp Pandora kể về một người con gái có tên Pandora. Bởi vì tò mò nên Pandora đã mở nắp chiếc hộp quà tặng của thần Zeus. Hậu quả là tất cả cái ác, điều xấu xa và bệnh dịch trong hộp được giải phóng ra ngoài và lan tràn khắp thế giới.
Giờ đây, Pandora Papper đã được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) mở ra khi công bố một loạt thông tin rò rỉ mới về những bí mật tài chính bị cáo buộc của hơn 35 nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và quá khứ, cũng như hơn 330 chính trị gia và quan chức trên toàn cầu, cùng 133 tỷ phú Forbes có tổng tài sản vượt quá 500 tỷ euro và 46 nhà tài phiệt Nga.
Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm từ một cuộc điều tra đã phân tích gần 12 triệu tài liệu từ tổng số 14 công ty luật ở các khu vực pháp lý không rõ ràng.
Pandora Papers cũng đã tiết lộ những thông tin mới nhất và chứng minh rằng khu vực nước ngoài vẫn trong tình trạng tồi tệ, bất chấp cuộc Đại suy thoái và tổn thất mà các cuộc khủng hoảng gần đây nhất đã gây ra cho các quốc gia phương Tây, nơi có một loạt công ty luật chuyên về tận dụng sự mờ mịt của các thiên đường thuế trên thế giới.
Nước Mỹ - “Điểm đến tài sản nước ngoài”
Theo tiết lộ của ICIJ trong Pandora Papers, những năm gần đây, Mỹ đã trở thành một trong những “người chơi lớn trong thế giới ngoài khơi”.
Theo ICIJ, trong khi Mỹ được coi là quốc gia đi đầu trong việc chấm dứt lạm dụng tài chính khi họ “quan tâm nhiều hơn đến việc buộc các quốc gia khác chia sẻ thông tin về người Mỹ có tài khoản ở nước ngoài, nhưng lại không chủ động chia sẻ thông tin về tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng, công ty và quỹ tín thác của chính họ”.
Pandora Papers chỉ rõ rằng, vào năm 2014, Mỹ đã từ chối tham gia một thỏa thuận, được hỗ trợ bởi hơn 100 khu vực pháp lý, sẽ buộc các tổ chức tài chính của nước này phải chia sẻ thông tin về tài sản nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, hình ảnh truyền thống của các thiên đường thuế là “đảo cọ ngoài khơi” đã dần thay đổi, với hơn một chục bang của Mỹ, bao gồm Nam Dakota và Nevada, trở thành các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực "bán bí mật tài chính”.
Đặc biệt, nhờ các luật dần dần được thông qua ở Nam Dakota cung cấp sự bảo vệ và lợi ích cho các khách hàng ủy thác ở Mỹ và nước ngoài, hàng chục triệu đô la đã được chuyển từ các thiên đường thuế ở Caribe và Châu Âu đến Nam Dakota, một trong những “điểm đến tài sản nước ngoài lớn nhất”.
Theo cuộc điều tra của ICIJ, tài sản của các khách hàng trong quỹ tín thác của bang đó đã tăng hơn gấp 4 lần trong thập kỷ qua và đạt 360 tỷ USD .
Tổng cộng, các tài liệu bị rò rỉ đã giúp ICIJ và The Washington Post xác định được khoảng 30 quỹ tín thác có trụ sở tại Mỹ có liên quan đến người nước ngoài bị cáo buộc về "hành vi sai trái".
Theo tiết lộ từ ICIJ: “Cuộc điều tra của Pandora Papers cũng nêu bật cách Baker McKenzie, công ty luật lớn nhất ở Mỹ, đã giúp tạo ra hệ thống nước ngoài hiện đại và tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế bóng tối này”.
ICIJ cũng nêu tên tỷ phú người Ukraine Ihor Kolomoisky nằm trong số các khách hàng của công ty.
"Những người mà công ty đã làm việc bao gồm nhà tài phiệt người Ukraine Ihor Kolomoisky, người mà chính quyền Mỹ cáo buộc đã rửa 5,5 tỷ USD thông qua một loạt các công ty vỏ bọc, mua các nhà máy và bất động sản thương mại trên khắp đất Mỹ", ICIJ cho biết.
Một cái tên nổi bật khác trong danh sách khách hàng của McKenzie là nhà tài chính bỏ trốn Jho Low, người "bị chính quyền nhiều nước buộc tội chủ mưu vụ biển thủ hơn 4,5 tỷ USD từ quỹ phát triển kinh tế Malaysia có tên 1MDB".
ICIJ đã mô tả vụ phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp vừa được công bố là có quy mô lớn nhất, lưu ý rằng cuộc điều tra liên quan đến hơn 600 nhà báo từ 117 quốc gia cũng như hơn 11,9 triệu tập tin bị rò rỉ "phủ khắp mọi nơi trên thế giới”.
“Rõ ràng nước Mỹ là một lỗ hổng lớn trên thế giới,” ICIJ trích dẫn lời của Yehuda Shaffer, cựu giám đốc đơn vị tình báo tài chính Israel.
Có thể bạn quan tâm