EVFTA và EVIPA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp còn nhiều "gập ghềnh" thời gian tới.
Tín hiệu mừng
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, sản lượng tương đương khoảng 247.000 tấn. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu đạt 201 nghìn tấn tăng trên 32% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại giảm nhẹ 0,8% và chỉ đạt 514 triệu USD. Nguyên nhân là do diện tích trồng hồ tiêu tăng ào ạt, chi phí sản xuất hạt tiêu tăng theo hàng năm và tăng 10% so với năm 2017.
Do sản lượng tăng nên Việt Nam luôn giữ ở vị trí số 1 và chiếm 70 % thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu, trong đó xuất tăng mạnh ở thị trường EU và tăng mạnh sang thị trường Đức chiếm 53,3% về lượng và tăng 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện tại Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% từ GSP cho cả tiêu hạt và tiêu xay khi xuất vào thị trường EU. Tương tự, thuế nhập khẩu hồ tiêu được EU cam kết sẽ xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Việc Việt Nam tham gia EVFTA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu. Trước đây, xuất khẩu sang EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước thì sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng yêu cầu chung của toàn khối. Có thể nói, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cho hồ tiêu Việt Nam là quy định siết chặt của EU về tỷ lệ MRL trong thuốc bảo vệ thực vật; đây là đơn vị quy định mức tối đa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn tại trong nông sản, thực phẩm, không gây hại cho con người. MRL được quy định bằng miligam thuốc này trên một kilogam thực phẩm.
Cải tiến để hưởng lợi dài hạn
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, mới đây EU đưa ra dự thảo giảm đáng kể ngưỡng MRL đối với Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl cho một số sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các gia vị như hồ tiêu và gia vị loại hạt, loại trái cây, thân và rễ ( thuộc nhóm quế, hồi).
Việc giảm MRL đối với tất cả các mặt hàng về mức giới hạn xác định là 0,01 ppm là gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thông báo giảm MRLs đối với Chlorpyrifos ảnh hưởng đặc biệt đến các loại gia vị, vì hiện tại MRL được quy định là 5,0 ppm và các loại gia vị thân rễ là 1 ppm.
Bên cạnh đó, căn cứ vào việc giảm MRLs hiện tại, EU không cho phép sử dụng 2 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật này, dựa vào tuyên bố về tác động đối với sực khỏe con người được thực hiện bởi cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA).
Tại Việt Nam, Quyết định số 501 /QĐ-BNN-BVTV của Bộ NN&PTNT ngày 12 /2/2019 đã được ban hành để cấm Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil, ngoài ra, nông dân Việt Nam đã được thông báo và khuyến cáo không sử dụng các hoạt chất này theo công văn chính thức.
Tuy nhiên, trước quyết định này của EU, Hiệp hội hồ tiêu cho rằng, các nước sản xuất cần có đủ thời gian để thay đổi tập quán canh tác, các MRL mới được đề xuất mà không có giai đoạn chuyển tiếp đối với các sản phẩm đã được trồng / sản xuất và việc trì hoãn chỉ ba tháng sẽ tạo ra rào cản thương mại rất lớn đối nông sản nói chung và hồ tiêu Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt với thời gian trì hoãn rút ngắn, quy định này sẽ làm giảm nghiêm trọng việc xuất khẩu hồ tiêu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu. Do đó, nó sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam, và doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng về sự sụt giá hiện nay.
Với những lý do nêu trên, Hiệp hội hồ tiêu đã nộp đơn lên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn yêu cầu cuộc đối thoại với EU nhằm kéo dài thời gian chuyển đổi có thể chấp nhận cho đến cuối năm 2022, cho phép nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với điều kiện mới.
Đồng quan điểm, TS Trần Thanh Tùng cho biết thêm do các nước chưa xây dựng MRL nên quy định mức mặc định rất thấp, gần như không thể vượt qua. Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung do hạn chế về tài chính và kỹ thuật nên gần như không tự xây dựng về MRL được cho các nông sản xuất khẩu chủ lực như; gạo, thanh long, trà…, hầu như phải phụ thuộc vào các nước nhập khẩu.
Khó khăn hơn, mỗi nước, mỗi khu vực lại có quy định riêng về MRL và các quy định này thay đổi liên tục theo xu hướng ngày càng siết chặt mức dư lượng hóa chất. Thậm chí như đối với mật ong xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu về sản lượng do đáp ứng các quy định về quy chuẩn kỹ thuật mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng loại mật ong này nếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì lại gặp vô cùng khó khăn.
Do vậy chúng tôi đang làm kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lên EU giảm mức quy định, lùi hạn mức quy định xuống năm 2022. Vì lượng hàng đã sản xuất thì EU cho Doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ hết số lượng còn lại.
Để tận EVFTA trong dài hạn thì không còn cách nào khác là các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu Việt Nam nên có quy ước với người dân cải tiến cải tiến kỹ thuật trồng, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình chăm sóc, sản xuất, hoặc lên phương án dùng phân vi sinh để ngăn ngừa sâu bệnh, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.