Theo dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) mà Bộ Tài chính đang triển khai lấy ý kiến, mức thuế mới được đề xuất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
>>>Giảm thuế để thúc đẩy sản xuất
LTS: Nghị quyết số 82/NQ- CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 đã yêu cầu gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Cụ thể theo công văn số 5949 của Bộ Tài chính gửi các bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc lấy ý kiến hồ sơ dự án Luật Thuế TNDN, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá ba tỷ đồng. Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên ba tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, giao Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng.
>>>Kiểm soát lạm phát với chính sách giảm thuế, phí
Ngoài ra, thuế suất 15% và 17% được quy định sẽ không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định.
Bộ Tài chính cho hay trong tổng số khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Đây là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Do đó, việc bổ sung quy định này góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Đề xuất này là rất cần thiết và có phần hơi muộn hơn so với thực trạng và mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam, dù trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước xem xét giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông theo đúng lộ trình đề ra.
Theo đó, chính sách giảm thuế TNDN càng xem xét sớm, thì cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được cộng hưởng giá trị “giảm 1, lợi ích 10”.
Do đó, nhóm đối tượng được xem xét giảm thuế TNDN nên mở rộng cho cả các doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn. Qua đó, hiệu quả mở rộng hỗ trợ của chính sách thuế suất cũng sẽ được lan tỏa đến nhiều đối tượng doanh nghiệp được thụ hưởng hơn.
Theo dự kiến, dự án Luật Thuế TNDN sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2024) và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Tương tự như nội dung Luật thuế thu nhập cá nhân đã được kiến nghị cần sớm đưa vào xem xét sửa đổi vì quá lỗi thời lạc hậu, trong bối cảnh cộng đồng cần được hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy đà phục hồi và tăng tốc, nắm bắt thời cơ kinh doanh hòa cùng nhịp với kinh tế toàn cầu, Luật thuế TNDN nên chăng cũng được rút ngắn thời gian để sớm đưa vào chương trình Nghị bàn của các đại biểu Quốc hội.
Nếu như sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ kích thích cầu tiêu dùng thì việc giảm thuế TNDN sẽ giúp tăng cường năng lực cho doanh nghiệp cơ cấu lại, mở ra cơ chế phân bổ hiệu quả giữa các nguồn lực xã hội.
Cuối cùng, lưu ý 2 điểm quan trọng: Thứ nhất, cơ quan soạn thảo nên từng bước xây dựng chính sách thuế theo ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với quy mô, sản phẩm và lợi nhuận chứ không thể đánh đồng mức thuế TNDN như nhau mãi được vì có phải xét đến các mô hình kinh doanh đặc biệt và phải chịu nhiều khoản thuế khác giúp doanh nghiệp dễ tồn tại, tránh bị thuế chồng thuế.
Thứ hai, khi giảm thuế TNDN cũng đưa ra giải pháp tính toán chi tiết trong việc thu ngân sách để phục vụ phát triển chung kinh tế xã hội và phục vụ bộ máy quản lý Nhà nước hiện nay vì vừa giảm thuế TNDN, thuế VAT nhưng lại tăng lương cơ bản cho người lao động như vậy khả năng mắt cân đối thu chi là rất lớn. Do vậy Chính phủ cần có chiến lược triệt để hơn trong việc cắt giảm nhân sự trong bộ máy quản lý từ TW đến địa phương và sàng lọc tuyển dụng nhân sự trình độ cao và tạo điều kiện cho nhân tài từ khối ngoài Nhà nước tham gia vào hệ thống bộ máy công quyền nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả trong quản lý, tinh giảm biên chế một cách đáng kể thông qua việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số... thì mới đảm bảo được cân bằng thu chi cho ngân sách Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc giảm thuế VAT 2% cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
03:00, 24/05/2024
Giá vé cao "ngất ngưởng", doanh nghiệp hàng không đề xuất giảm thuế, phí
13:29, 19/05/2024
Tiếp tục giảm thuế VAT: Giải pháp kích cầu tiêu dùng
15:20, 07/05/2024
Chính phủ đề xuất kéo dài giảm thuế VAT 2% hết năm 2024 hỗ trợ doanh nghiệp
11:43, 28/04/2024
Kéo dài giảm thuế VAT 2% để hỗ trợ doanh nghiệp
04:00, 16/04/2024