Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Ngành Y tế mong mỏi nhiều hơn

DIỄM NGỌC 09/06/2021 05:30

Bên cạnh chủ trương giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp, phòng khám, bệnh viện còn rất mong được Chính phủ can thiệp vào việc đảm bảo bình ổn giá đối với các thiết bị, vật tư y tế.

Tiếp tục những thông tin về dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19, theo công văn số số 5377/BTC-CST của Bộ Tài chính. Theo đó, phí trong lĩnh vực y tế, mức thu bằng 70% mức thu phí quy định tại Điều 1 Thông tư số 11/2020/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hồi

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hồi

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp và các phòng khám, bệnh viện rất hoan nghênh tinh thần hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Các mức giảm phí, lệ phí dù nhiều, dù ít cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và hệ thống y tế nói chung. Bởi hiện nay, ở các bệnh viện đang gặp khó khăn vì số lượng khám chữa bệnh giảm nhiều. Các bệnh nhân cũng lo ngại dịch bệnh, nên sẽ hạn chế đến bệnh viện, đặc biệt là các bệnh nhân từ địa phương này sang địa phương khác sẽ gần như hạn chế. Tiêu biểu là những bệnh viện ở tuyến thành phố lớn, điều này dẫn đến sụt giảm doanh thu của các phòng khám và bệnh viện không hề nhỏ.

Ngoài những khó khăn kể trên, các bệnh viện còn phát sinh một loạt những thủ tục phải thực hiện, đó là tổ chức một đội ngũ nhân sự lớn trong công tác khai báo y tế, rà soát khai báo y tế.  Đồng thời, bố trí những khu riêng biệt để khám sàng lọc những trường hợp có triệu chứng sốt và ho, sau khi khám rà soát mà không có vấn đề gì thì mới đưa về khám thông thường.

Mặt khác, ngoài yếu tố về con người, còn phát sinh các  loại chi phí liên quan đến trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang, quần áo, khử khuẩn và vật tư y tế,... Trong khi bệnh viện luôn đứng trước nguy cơ sẽ bị đóng cửa bất cứ lúc nào, nếu xuất hiện những bệnh nhân mắc COVID-19, vì rất nhiều trường hợp không có triệu chứng khi đến khám, mà chỉ khi xét nghiệm mới phát hiện. Tổng hợp lại sẽ thấy, gánh nặng về chi phí của bệnh viện là vô cùng lớn”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hồi chia sẻ.

Theo PGS. Hồi, bên cạnh chủ trương giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực y tế như Dự thảo mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, các doanh nghiệp, phòng khám, bệnh viện còn rất mong được Chính phủ can thiệp vào việc đảm bảo bình ổn giá đối với các thiết bị, vật tư y tế. Đề nghị các doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế không tăng giá vào những giai đoạn cao điểm, thậm chí là giảm giá để hỗ trợ bệnh viện vượt qua khó khăn. “Doanh thu sụt giảm mà chi phí đầu vào tăng vọt, bệnh viện rất khó để cân bằng, trong khi nhiệm vụ cấp bách là khám chữa bệnh, cứu người”.

Các bệnh viện y tế tư nhân mong được đối xử công bằng với các bệnh viện công lập vì mục tiêu chung phục vụ người bệnh và nhân dân

Các bệnh viện y tế tư nhân mong được đối xử công bằng với các bệnh viện công lập vì mục tiêu chung phục vụ người bệnh và nhân dân

Chia sẻ với phóng viên, bà Ngô Minh Chiến, chủ sở hữu công ty TNHH MTV Phòng khám Đa khoa Tâm Đức tại Bình Phước cũng cho rằng, việc hỗ trợ giảm phí, lệ phí cho lĩnh vực y tế là rất thiết thực, đúng đắn. Mặc dù chỉ là những chi phí trong các khâu về quản lý hành chính, thủ tục cấp phép nhưng cũng là sự động viên rất lớn đối với ngành trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, bà Chiến cũng đề nghị, diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp và chưa biết khi nào mới kết thúc, chính vì vậy nhu cầu xét nghiệm COVID-19 của người dân sẽ tăng lên. Nhưng hiện nay, những người dân có bảo hiểm y tế chỉ được thanh toán bảo hiểm khi thực hiện xét nghiệm tại bệnh viện công, còn với các phòng khám, bệnh viện tư nhân thì không được áp dụng bảo hiểm y tế. “Chúng tôi mong muốn có sự công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư để cùng nhau chia sẻ gánh nặng, san sẻ các công việc vì nhiệm vụ chung là phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân”.

Không chỉ công bằng trong việc áp dụng bảo hiểm y tế, mới đây, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng có kiến nghị gửi đến Chính phủ về việc tại số địa phương vẫn chưa thực hiện phân bổ vaccine cho đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, mà chủ yếu ưu tiên cho các cơ sở y tế công lập.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố có quan điểm thống nhất, về việc phân bổ vaccine phòng dịch COVID-19 cho đối tượng là nhân viên y tế đang công tác tại cơ sở y tế tư nhân, loại bỏ tư tưởng bảo thủ, phân biệt, đối xử công - tư, đảm bảo quyền lợi, công bằng đối với người hành nghề y đang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân.

Qua đó, có ý kiến chỉ đạo kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng chính sách Nhà nước về việc phân bổ vaccine phòng chống COVID-19; phân bổ số lượng tiêm vaccine không đúng đối tượng, địa bàn ưu tiên như Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 3 kiến nghị, 6 đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không

    Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 3 kiến nghị, 6 đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không

    05:45, 02/06/2021

  • Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: “Muối bỏ biển” với ngành du lịch

    Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: “Muối bỏ biển” với ngành du lịch

    17:00, 31/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Ngành Y tế mong mỏi nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO