Bộ Tài chính cho biết đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng, qua đó đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế...
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian qua, chính sách tài khóa đã được điều hành một cách linh hoạt. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phòng chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng, riêng Nghị định 52 đã giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỷ đồng, Nghị định 92 giảm 21.300 tỷ đồng, Quỹ vaccine được chi gần 9.000 tỷ đồng.
Đến nay, nhiệm vụ thu chi ngân sách đã hoàn thành, trong đó, thu ngân sách đã vượt dự toán đề ra, còn chi ngân sách bám sát dự toán và bội chi cũng đảm bảo quy định 4% của Quốc hội.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, hiện dư địa nợ công không còn nhiều, do giai đoạn năm 2021-2025, chúng ta đã biểu quyết dự kiến vay là 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020 với tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, có nghĩa là nợ công đến năm 2025 theo đánh giá là khoảng 45,6% GDP nhưng là GDP mới, nếu tính theo GDP cũ là nằm ở mức 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%.
"Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8% nhưng nếu chúng ta đánh giá theo GDP cũ thì là 53,1%, có nghĩa cũng vượt ngưỡng 45%. Tuy nhiên, chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đó chúng ta quay trở lại thu ngân sách và giảm tăng bội chi trong năm nay, sang năm giảm bội chi trong các năm sau, như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn đảm bảo được.
Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đó tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã bày tỏ sự đồng tình đối với gói cấp bù lãi suất. Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, giải pháp này sẽ có một số ưu điểm như thúc đẩy các ngân hàng cho vay vào các lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên, coi là trọng điểm để phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp dòng tiền đi đúng địa chỉ, tới các doanh nghiệp được vay nợ với lãi suất thấp trong phạm vi khống chế, thường thấp hơn 2-4 % so với thị trường, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Những ngành nghề này không chỉ mang tính nền tảng, trụ cột cho nền kinh tế, mà còn góp phần hỗ trợ cho các ngành nghề khác đi lên, với điều kiện có tính lan tỏa.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng mang tới mặt bất lợi đó là, tạo ra sự mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khi người thì được vay lãi suất 3-4%, người thì lại phải vay với lãi suất cao hơn.
“Yếu tố chủ quan cũng dễ gây ra chuyện sai lệch sự phân bổ nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên. Và không loại trừ trường hợp xảy ra sự "móc ngoặc" giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong vấn đề cho vay. Vì Nhà nước hỗ trợ thông qua ngân hàng, cấp tiền cho ngân hàng chứ không phải trực tiếp đến doanh nghiệp. Từ đó, dễ có tình trạng cho vay không đúng đối tượng, "móc ngoặc" với doanh nghiệp “cánh hẩu”, sân sau mà hiện tượng này đã từng xảy ra trước đây.
Đặc biệt, khi dòng tiền lớn được bơm vào thị trường có thể đẩy lạm phát tăng cao, trong khi độ trễ thường từ 6 tháng đến một năm, hai năm mới phát huy hết tác dụng cũng như tác hại của nó. Vì thế, lúc đầu khi bơm tiền ra chưa có vấn đề gì, nhưng một, hai năm sau mới thấy lạm phát tăng cao, cân đối vĩ mô bất ổn, mất giá tiền tệ cùng nhiều hậu quả kèm theo, dẫn đến tăng giá hàng hóa và gây nguy hại cho nền kinh tế nói chung”, vị chuyên gia phân tích.
Về mặt bất lợi của giải pháp này, trao đổi tại một buổi toạ đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm không đồng tình việc tài trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại. Ông cho rằng cứ để ngân hàng thương mại hoạt động cho vay bình thường, còn doanh nghiệp nào được hỗ trợ lãi suất thì đến thẳng Bộ Tài chính hoặc Kho bạc Nhà nước để nhận tiền.
Trước ý kiến cần tăng chủ động của ngân sách Trung ương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay, Bộ Chính trị đã giao Chính phủ xây dựng đề án phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ động của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Đồng thời, sẽ sửa Luật Ngân sách trong thời gian tới.
Lý giải về câu chuyện hỗ trợ lãi suất năm 2009 trị giá 1 tỷ USD dẫn đến nợ xấu, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, thời gian đó hỗ trợ trên một diện rộng, dàn trải, lại hỗ trợ cả các doanh nghiệp có nợ xấu và hệ thống ngân hàng lúc đó cũng có nợ xấu cao...
“Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trên, Bộ sẽ hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay, thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 29/09/2021
05:30, 30/09/2021
04:10, 03/11/2021