Năm 2018, về cơ bản doanh nghiệp, người nộp thuế đều chấp hành tốt việc kê khai, nộp thuế kịp thời, sát với số phát sinh, tổng số tờ khai thuế đạt 98% trên tổng số tờ khai phải nộp.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành Thuế tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp Chính phủ hàng năm xuất bản sách trắng về sức khỏe doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp thu…
Ghi nhận về những kết quả đã đạt được của ngành Thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tốc độ tăng thu nội địa cao hơn tăng trưởng GDP cộng với yếu tố trượt giá, điều này thể hiện tính thực lực của nền kinh tế. Tính trong 10 năm qua, tổng thu của ngành Thuế tăng hơn 3,4 lần. Có 40 địa phương đã lên top 5.000 tỷ đồng, 18 địa phương vào top 10.000 đồng, tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước. Năm 2018 ngành Thuế đạt được kết quả như vậy là do đặt mục tiêu phấn đấu cao ngay từ đầu (vượt trên 7% dự toán), đây là bài học để tạo động lực và áp lực trách nhiệm, muốn có phấn đấu cao thì phải có chỉ tiêu cao…
Có thể bạn quan tâm
14:59, 31/10/2018
05:00, 14/09/2018
15:39, 09/02/2018
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thuế tiếp tục quán triệt Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2020, triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 và quán triệt chương trình hành động của ngành Tài chính, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Tài chính, với tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá”.
Phó Thủ tướng nhắc ngành Thuế tiếp tục cải cách hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật. Kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đây là cơ hội quan trọng với ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng.
Do đó, ngành Thuế phải hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến, đặc biệt là của đối tượng chịu sự tác động là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đối tượng nộp thuế, để hoàn thiện và có bộ luật có chất lượng cao nhất, mang tính ổn định khá lâu dài, định hướng cho ngành tài chính, ngành thuế ít nhất trong 10 - 20 năm, trên tinh thần khắc phục cho được những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện luật hiện hành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành Thuế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt là việc quản lý các giao dịch liên kết, chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế, quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục giải quyết nợ đọng và cưỡng chế thuế hay mối quan hệ giữa các bộ, ngành trong chức năng quản lý thuế.
Phó Thủ tướng đặt hàng ngành Thuế phối hợp với Bộ Tài chính có báo cáo về thực trạng ngành Tài chính, thu hút đầu tư, hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ của ngân sách nhà nước, chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài trong quý I/2019 để Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới. Tinh thần là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc hơn (về công nghệ, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối chuỗi giá trị), nhưng cũng thiết kế chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình hiện nay.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Thuế nghiên cứu, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành thể chế chính sách thích ứng trong điều kiện kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, thanh toán mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, công nghệ tài chính…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế giúp Bộ rà soát các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thu, quản lý thuế theo tinh thần nghị định phải phù hợp với luật. Luật có bất cập phải sửa đổi, bổ sung, nghị định không hướng dẫn những nội dung mà luật không quy định. Không để tình trạng lấy công văn để điều chỉnh các vấn đề quy phạm pháp luật về thuế, tùy tiện đặt ra vấn đề pháp luật không cho phép, nhằm đảm bảo minh bạch, có tiên lượng được cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về quản lý thu thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành rà soát lại để có thể giao chỉ tiêu tích cực hơn, tạo động lực và áp lực trách nhiệm với các bộ, ngành, địa phương, nhưng trên cơ sở “có lý, có tình”, phù hợp với từng địa phương. Cần xem xét lại chỉ tiêu giao chung, đặt chỉ tiêu tích cực hơn ở những địa bàn có dư địa có thể tăng thu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro. Việc thanh tra, kiểm tra không được gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành thực hiện giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu thuế, theo văn hóa có kinh doanh, có nộp thuế.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp Chính phủ hàng năm xuất bản sách trắng về sức khỏe doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp thu…
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2018, thu NSNN đạt 1.146.933 tỷ đồng, vượt 7,2% dự toán Quốc hội giao, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017, có 61/63 tỉnh, thành hoàn thành tốt công tác thu NSNN. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 66,048 tỷ đồng, thu nội địa đạt 1,08 triệu tỷ đồng.
Đến thời điểm cuối năm, toàn quốc có 700.647 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 65.076 doanh nghiệp so với thời điểm 31/12/2017. Trong năm qua, về cơ bản người nộp thuế đều chấp hành tốt việc kê khai, nộp thuế kịp thời, sát với số phát sinh, bình quân chung cả nước, tổng số tờ khai thuế đạt 98% trên tổng số tờ khai phải nộp, tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn/tờ khai đã nộp đạt 95%.
Năm 2018, ngành Thuế tăng cường công tác quản lý hoàn thuế chặt chẽ, đúng pháp luật; Đẩy mạnh triển khai hoàn thuế điện tử. Thực hiện công tác giám sát hoàn thuế tự động. Năm 2018, đã giải quyết hoàn thuế theo pháp luật thuế GTGT là 20.220 quyết định hoàn với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 112.373 tỷ đồng, trong đó hoàn điện tử đạt tỷ lệ 91,8% về số hồ sơ và 90% về số tiền thuế GTGT đã giải quyết hoàn đối với trường hợp xuất khẩu và dự án đầu tư.
Năm 2018, ngành đã đôn đốc thu nợ đọng được 32.055 tỷ đồng, đạt 76,9% số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2017 chuyển sang năm 2018. Tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/12/2018 là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,8% tổng số tiền nợ thuế, giảm 2.381 tỷ đồng (-5,7%) so với 31/12/2017”.