Theo chuyên gia, trách nhiệm của Chính phủ đối với cam kết giữa PVN và Lọc hoá dầu Nghi sơn chỉ nên ở một giới hạn và xem xét, nếu có những lý do thỏa đáng thì mới cân nhắc hỗ trợ.
>>Khó khăn thực sự của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là gì?
Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, các đối tác trong Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã thống nhất được chủ trương phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và nguồn lực tài chính ngắn hạn cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định.
Theo đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành chủ quản, với vai trò là một bên góp vốn, PVN đã đàm phán với các đối tác nước ngoài còn lại tại NSRP gồm: Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait- KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản- IKC và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản- MCI về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP.
Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các Bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do PVN đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA) giữa PVN và NSRP.
Liên quan đến những băn khoăn về thực trạng giá xăng dầu tăng nóng, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, chuyên gia từ Dragon Capital nhận định, ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng lên lạm phát Việt Nam có thể sẽ không quá lớn, bởi vì không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều. Giá nhiên liệu của Việt Nam hiện tại bao gồm rất nhiều loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế môi trường) cũng như các yếu tố bình ổn giá khác. Ngoài ra, để duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội đã đề ra là 4%, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá, bao gồm:
Thứ nhất, Chính phủ hỗ trợ tài chính công ty lọc hóa dầu để hỗ trợ xử lý một số khó khăn tạm thời và đưa công suất về mức bình thường.
Thứ hai, Bộ Công Thương và các bộ ban ngành liên quan có kế hoạch thực hiện bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON-92 từ dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung trong nước.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Chính cân nhắc việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, chi tiết sẽ được thảo luận vào kỳ họp Quốc hội tới đây. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 15% giá xăng dầu trong nước và tổng các loại thuế và phí chiếm tới 42%.
>>Chính sách nào giữ chân giá xăng dầu?
Cân nhắc hỗ trợ phù hợp
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, sự việc tại công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn có rất nhiều vấn đề đặc biệt, trong đó chúng ta đã ký thỏa thuận quốc tế giữa PVN với các nhà đầu tư quốc tế và đã trở thành một hợp đồng mang tính quốc tế. Cho nên đến nay, có những điều bất cập cần phải đàm phán lại.
Tuy nhiên, việc đàm phán lại đó vẫn cứ tiến hành, đồng thời có những vấn đề cần phải xem xét đến tính thực tế của hoạt động, cũng như nguồn vốn và ảnh hưởng của quá trình xây dựng, vận hành nhà máy, đến việc sản xuất kinh doanh và nguồn tài chính,... Để từ đó, nếu thấy có những lý do hợp lý, thì Nhà nước có thể hỗ trợ trong thời gian trước mắt, với những điều kiện nhất định, phù hợp với năng lực của Nhà nước, song song với quá trình xử lý giải quyết cùng hợp tác, liên quan đến tái cấu trúc và đàm phán lại các hiệp định với những nhà đầu tư quốc tế.
“Thực tế, có rất nhiều cách hỗ trợ, ví dụ Chính phủ có thể hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, hoặc có biện pháp nằm trong phạm vi mà Nhà nước có thể thực hiện được, nhưng vẫn phải theo kinh tế thị trường. Vì rõ ràng, cam kết của PVN với các nhà đầu tư quốc tế, vẫn chỉ là cam kết của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp nước ngoài. Và dù mang tính quốc tế thật, nhưng Nhà nước cũng không phải đứng ra chịu trách nhiệm ngay cả khi PVN thuộc Nhà nước. Cho nên, trên quan điểm của tôi, trách nhiệm của Chính phủ đối với cam kết đó chỉ nên ở một giới hạn, để xem xét nếu có những lý do thỏa đáng, đặc biệt,... thì sẽ có cân nhắc hỗ trợ ở mức hợp lý”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia, bởi vì những lùm xùm xung quanh câu chuyện này liên quan đến nguồn sản xuất xăng dầu, để đáp ứng một mặt hàng chiến lược của nền kinh tế, thì chúng ta có thể hỗ trợ. Còn việc chịu trách nhiệm ký kết, cũng như những sơ suất trong cam kết giữa PVN và các doanh nghiệp quốc tế là việc mà họ phải tự giải quyết. Đối với diễn biến xấu hơn, trong trường hợp công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể phục hồi và thiếu nguồn cung trong nước, thì Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu xăng dầu về sử dụng.
“Thông thường, việc nhập khẩu xăng dầu phải theo hợp đồng kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm. Nhưng tại Nghi Sơn chỉ báo trước một tháng và việc đàm phán xăng dầu mua ở giá giao ngay sẽ đắt, vì chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, hoa hồng môi giới,... tăng lên, là “đánh đố” Nhà nước, là không có trách nhiệm với xã hội và người dân.
Khi Nhà nước đã có mọi ưu đãi hỗ trợ, ngay cả khi dầu sản xuất ra không bán được, giá dầu thế giới rẻ, công ty còn kêu gọi Nhà nước không nhập khẩu. Chính phủ cũng phải cắt các đầu mối không cho nhập khẩu để tiêu thụ, nhưng đến nay, Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã thể hiện trách nhiệm xã hội kém với những hỗ trợ đã nhận được”, vị chuyên gia phân tích.
Có thể bạn quan tâm
00:06, 22/02/2022
11:02, 11/02/2022
20:46, 02/01/2019