Tập đoàn Hòa Phát đang cho thấy những bước đi mạnh dạn trong việc xâm nhập lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam.
Mới đây, Công ty cổ phần Điện máy gia dụng Hòa Phát đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành xây dựng sau khoảng 5 tháng.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, nhà máy sẽ có diện tích hơn 14 ha, chuyên sản xuất các sản phẩm bao gồm: máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất dự kiến khoảng 1 triệu sản phẩm/năm.
Cũng theo thông tin từ tập đoàn cho biết, song song với việc triển khai xây dựng nhanh chóng nhà máy mới, Hòa Phát sẽ ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện lạnh, hàng gia dụng chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu.
Hồi cuối tháng 9 năm nay, Hòa Phát đã thành lập CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty con này là đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng. Tại công ty này, Hòa Phát sẽ đóng góp 999 tỷ đồng tiền vốn, tương đương 99,9% vốn điều lệ doanh nghiệp mới.
Như vậy là, không lâu sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty CP Nội thất Hòa Phát và rút chân ra khỏi mảng nội thất, Hòa Phát đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực mới, mảng điện máy gia dụng, với nhiều bước chuẩn bị một cách bài bản và chu đáo.
Có thể nói, việc thành lập công ty mới và giờ đây là xây dựng nhà máy đã cho thấy Hòa Phát sẽ chính thức nhảy vào thị trường điện gia dụng, và sẵn sàng cạnh tranh với những doanh nghiệp trong nước như Sunhouse, Asanzo hay là các "ông lớn" ngoại như Panasonic, LG, Philips, Daikin, Mitsubishi …
Trong năm 2020, tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã tái cấu trúc phân thành 4 mảng hoạt động cho 4 Tổng công ty phụ trách bao gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản.
Là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng việc đa dạng hóa các ngành nghề là con đường bắt buộc mà Tập đoàn sản xuất gang thép hàng đầu Việt Nam phải làm. Bởi vì, khi đã chiếm được thị phần gang thép đáng kể trong nước, Hòa Phát cần tìm thêm động lực mới để tăng trưởng, đó chính là lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy sự cạnh tranh quyết liệt.
Trên thực tế, trong lĩnh vực hàng gia dụng, tập đoàn Hòa Phát đã đặt chân vào từ khá lâu. Năm 2001, họ đã thành lập Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát, chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Nhưng, giờ đây có lẽ họ mới thực sự đi những bước mạnh dạn vào lĩnh vực tỷ đô tại thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại.
Theo một con số thống kê cho thấy, tại Việt Nam, ngành hàng gia dụng được định giá khoảng khoảng 12,5 – 13 tỷ USD, với mức tăng trưởng hàng năm lên đến hơn 10%.
Vì vậy, khi chuyển hướng sang lĩnh vực đồ gia dụng, Hòa Phát đã đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Việt Nam với doanh thu 1 tỷ USD từ mảng này vào năm 2030. Trong đó, khoảng 50% sản lượng hàng điện máy sẽ được dùng để xuất khẩu.
Bản thân Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Trần Đình Long trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bloomberg hồi tháng 10 vừa qua, đã gọi quyết định tăng cường đầu tư vào lĩnh vực đồ gia dụng là bước đi đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Mặc dù tham vọng là vậy, nhưng ở thời điểm hiện tại, thị phần của Hòa Phát vẫn chưa thể so bì với các “ông lớn” trong ngành như Panasonic, LG, Daikin, hay là Toshiba. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Panasonic ghi nhận doanh thu hơn 13.500 tỉ đồng, còn Daikin từ 2 năm trước đã trên 12.000 tỉ đồng. Trong khi, doanh thu Điện lạnh Hòa Phát chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trong 2 năm gần nhất 2019 và 2020.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực đồ gia dụng cũng đến từ những công ty kỳ cựu trong nước như Kangaroo, Darling, Sunhouse, Sanaky hay là Karofi. Và có thể còn là từ những tay chơi mới nổi trong thời gian gần đây như Casper, Ffalcon, Mobell, Hisense, Hafele, Galanz, Beko, MDV...
Nhưng, với sự hỗ trợ từ một trong những Tập đoàn đa ngành nghề vào loại bậc nhất tại Việt Nam, cùng với những vị thế sẵn có về sức mạnh vốn, đất đai, nguyên liệu, công nghệ, nhân lực, mạng lưới, thương hiệu…Có vẻ như Hòa Phát đã sẵn sàng cho cuộc đua thống trị thị trường tỷ đô này.
Đặc biệt, động thái này của Hòa Phát cũng chính là nước cờ chiến lược, nhằm khép kín chuỗi giá trị thép của Hòa Phát, từ khai thác quặng, sản xuất phôi thép, thành phẩm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng - đầu vào cho ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao như chế biến chế tạo cơ khí, ô tô, sản phẩm gia dụng tủ lạnh, điều hòa, lò nướng, máy rửa bát…
Hy vọng với sự quyết đoán và mạnh mẽ của mình, trong tương lai thị trường đồ gia dụng Việt Nam sẽ có thêm một thương hiệu nội đáng quan tâm…
Có thể bạn quan tâm
Hòa Phát bán gần 1 triệu tấn thép trong tháng 10
11:01, 04/11/2021
Hòa Phát tăng tốc đầu tư lớn vào sản xuất hàng điện lạnh – gia dụng
15:07, 21/10/2021
Hòa Phát nộp ngân sách 8.100 tỷ trong 9 tháng, vượt xa số nộp cả năm 2020
09:44, 12/10/2021
Những lưu ý khi mua sắm đồ gia dụng mùa tết
11:07, 22/01/2021