CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) vừa thông báo kế hoạch tăng vốn để hoán đổi nợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên gấp 30 lần.
Từ một doanh nghiệp chuyên về sửa chữa, bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân với số vốn vỏn vẹn 79,3 tỷ đồng và tổng tài sản chỉ hơn 360 tỷ đồng, đến năm 2019 HHV kỳ vọng phát triển thành một Tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực giao thông và cung cấp các dịch vụ, công nghệ về hạ tầng giao thông.
Tăng vốn gấp 30 lần
Tính đến 30/9/2019, HHV nhận chuyển nhượng cổ phần để đầu tư vào 5 dự án với tổng giá trị hơn 2.394 tỷ đồng. Theo cam kết với các nhà đầu tư, HHV phải thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần trong vòng 4 tháng.
Theo đó, doanh nghiệp này đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 239,4 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 2.474 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với hiện nay. Thời gian thực hiện dự kiến từ cuối quý 4/2019 đến đầu quý 1/2020; toàn bộ cổ phần phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Theo các chuyên gia kiểm toán, đây là hình thức phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ với tỷ lệ hoán đổi 10.000 đồng cho 1 cổ phiếu, tương đương với tổng số tiền 2.394 tỷ đồng. Kết quả định giá doanh nghiệp theo Chứng thư thẩm định giá tại thời điểm 30/9 là 13.472 đồng/cp và thị giá HHV trên sàn ngày 6/9/2020 là 16.000 đồng/cp.
Được biết đến thời điểm hiện nay, cơ cấu cổ đông của HHV gồm Tập đoàn Đèo Cả sở hữu 47,7% vốn; ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 22,7%; ông Nguyễn Quốc Ánh nắm giữ 17,6%...
Tính đến ngày 30/9, HHV có 5 chủ nợ lớn với số tiền 2.394 tỷ đồng đã tài trợ cho công ty thực hiện mua các dự án công trình giao thông, nguyện vọng chủ nợ này muốn chuyển đổi sang cổ phần để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 24/03/2019
17:18, 23/03/2019
00:03, 15/07/2019
Nới room ngoại
Theo Ban Lãnh đạo HHV, việc hoán đổi nợ nhằm tiến tới làm chủ đầu tư các dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Nghi Sơn – Diễn Châu, Vân Đồn – Móng Cái, Đồng Đăng -Trà Lĩnh và Dầu Giây – Phan Thiết. Ngoài ra, công ty còn liên doanh, liên kết thực hiện các dự án hoặc nhận chuyển nhượng dự án. Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu, huy động từ cổ đông, vốn vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
2.474
tỷ đồng là số vốn điều lệ mà HHV dự kiến tăng lên thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng 30 lần so với hiện tại.
Ngoài vấn đề tăng vốn, HHV còn thông qua chủ trương huy động thêm vốn vay để đầu tư bổ sung vào các dự án hạ tầng giao thông với số tiền 700 tỷ đồng, lãi suất vay chỉ 3,5%/năm từ các cổ đông tổ chức và cá nhân.
Đồng thời, HHV cũng quyết định nới room ngoại từ mức 0% lên 49% để thu hút các đối tác chiến lược nước ngoài nhằm đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, tăng khả năng huy động vốn, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HHV đã tăng 100% từ 10.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp sau khi các thành viên HĐQT HHV tới tấp mua vào. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Ánh mua vào 1,4 triệu cổ phiếu (tương đương 17,64%); Ông Hồ Minh Hoàng- Chủ tịch HĐQT đã mua vào 1,8 triệu cổ phiếu (22,68%)…
Hệ lụy đáng quan ngại
Ông Phan Lê Thành Long- Giám đốc Viện Quản lý Công chứng Úc, cho rằng mục đích phát hành riêng lẻ của HHV nhằm hoán đổi, cấn trừ công nợ với các chủ nợ đã cho công ty vay khi đầu tư vào các dự án công trình giao thông. Chủ tịch HĐQT HHV cũng là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hải Thạch, một trong 5 công ty hoán đổi nợ lấy cổ phần của HHV. Qua khảo sát, thì 5 chủ nợ này đều là các công ty con, liên kết có quan hệ sân sau với Công ty mẹ- Tập đoàn Đèo Cả.
“Một điều dễ nhận thấy trong danh mục các “chủ nợ” được “con nợ” cấn trừ nợ bằng cổ phiếu, đã xuất hiện liên tục trên sàn chứng khoán trong thời gian qua, liên quan mật thiết dạng mẹ - con hoặc có góp cổ phần, liên doanh liên kết”, ông Long cho biết.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, không chỉ HHV, mà nhiều doanh nghiệp trong ngành giao thông, bất động sản đều ưa thích phương thức cấn trừ nợ bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Bởi đa phần các doanh nghiệp này đều phải sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đầu tư tài sản lớn, do đó hệ số nợ cũng lớn. Phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ sẽ giúp doanh nghiệp xóa được nợ cũ, đạt mục tiêu tăng vốn, đồng thời “làm đẹp” các con số tài chính để “lọt cửa” cấp hạn mức tín dụng lớn ở các ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể giảm bớt thuế thu nhập phải nộp ở các đơn vị thành viên được nhận cổ phiếu cấn trừ nợ.
Từ câu chuyện của HHV, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, giám sát việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ và các nhà đầu tư.
Tránh tăng vốn ảo Về mặt lý thuyết, nếu phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ thành công thì sẽ có lợi cho doanh nghiệp đang mắc nợ nhiều, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng giảm được nợ và giảm chi phí lãi vay, có được báo cáo tài chính “sáng sủa”. Đặc biệt, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ không tốn kém thêm các khoản chi phí nào cho việc phát hành này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau việc phát hành thêm cổ phiếu để cấn trừ nợ này thì tình hình tài chính của doanh nghiệp có được cải thiện tốt đẹp hơn không? Thống kê cho thấy, dù nợ có giảm xuống sau khi phát hành, nhưng chi phí lãi vay không hẳn lúc nào cũng giảm cùng, mà thậm chí còn tăng lên. Bởi qua hoạt động này, không phải doanh nghiệp nào cũng có dòng tiền thực, nên phải tăng cường vay mượn, nhất là từ ngân hàng. Bản chất của việc phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ là doanh nghiệp không thu được dòng tiền mới, không thu được “tiền tươi thóc thật”, nên các doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng đầu tư hoạt động sản xuất - kinh doanh như việc phát hành huy động vốn thông thường. Do đó, hiệu quả kinh doanh khó được cải thiện, dù vốn điều lệ tăng lên. Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý có liên quan cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ khi các doanh nghiệp lạm dụng hình thức này và nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo khi đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp này. |