Cần hoàn thiện hệ thống thông tin và kết nối thông tin dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại theo nhu cầu thị trường lao động đối với các vị trí việc làm, kỹ năng và các tiêu chuẩn.
>>>Đoàn giám sát Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội làm việc với tỉnh Tây Ninh
Trước tác động của tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động bị “thiếu hụt” đơn hàng, từ đó phải bố trí, tổ chức lại nguồn lao động cho phù hợp, dẫn đến nhiều công nhân phải nghỉ luân phiên, cắt giảm giờ làm, thậm chí buộc phải nghỉ việc.
Người lao động thiếu việc, ngưng việc, nghỉ việc không chỉ gây xáo trộn thị trường lao động, việc làm chung của cả khu vực mà còn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, đào tạo, đào tạo lại và nhất là tình trạng rút bảo hiểm một lần sau thời gian thất nghiệp. Từ đó đòi hỏi cần sớm có các giải pháp cụ thể để công tác quản lý nhà nước về lao động trước tác động của dịch bệnh, diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và quốc tế hiện nay.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp có thời điểm có đến hơn 50.000 công nhân, khi dịch bùng phát, hàng ngàn người lao động vừa lo lắng cho cuộc sống mưu sinh tại thành phố, vừa lo tình hình dịch bệnh không biết tái diễn khi nào nên đã ồ ạt kéo về quê.
“Sau khi Thành phố kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp cũng đã tăng tốc tuyển dụng để hoàn tất đơn hàng thiếu hụt sau chuỗi thời gian dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động mới chưa đạt được như con số ban đầu thì phải tạm ngưng, thậm chí đã phải cắt giảm lượng lớn số lượng lao động bởi những tác động từ khó khăn của thị trường thế giới”, đại diện PouYuen Việt Nam cho biết thực trạng.
Ở góc độ chuyên gia, các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh tới điểm nghẽn trong thời gian qua, công tác dự báo vẫn còn hạn chế do hệ thống dữ liệu đầu vào không đầy đủ, kịp thời, việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các ngành, địa phương còn rời rạc, các tiêu chí thu thập thông tin không thống nhất, không đồng bộ. Nói như ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động cần kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.
“Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi có thay đổi, biến động về tình trạng lao động - việc làm trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động để có sự điều tiết, cân đối thị trường lao động, hoạch định các chính sách phát triển lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương”, Chuyên gia Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, cần tăng cường cập nhật thông tin chung, thông tin chuyên ngành về các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bối cảnh công nghệ mới và nền tảng công nghệ số, hệ thống thông tin thị trường lao động và các Trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng có vai trò lớn trong việc kết nối thị trường lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động hiện tại đang bị chia cắt, hạ tầng cơ sở thu thập, phân tích, cung cấp thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và quản lý lao động.
Do vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin và kết nối thông tin dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; hệ thống thông tin thị trường lao động cần phải cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường lao động đối với các vị trí việc làm, kỹ năng và các tiêu chuẩn; hỗ trợ người tìm việc có cơ hội tìm việc làm và đáp ứng yêu cầu việc làm trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường kết nối việc làm và giới thiệu việc làm trực tuyến; đổi mới việc thu thập thông tin thị trường lao động, thông qua sử dụng khảo sát trực tuyến, cập nhập trực tuyển.. để cung cấp thông tin thị trường lao động.
>>>Giảm năm đóng BHXH: Quan trọng là tạo việc làm cho người lao động
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn cho rằng, quản trị quốc gia về lao động ở Việt Nam cần hướng theo chuẩn mực chung là tuân thủ pháp luật; hiệu lực và hiệu quả; công bằng và bao trùm; sự tham gia của người dân trong quá trình quản trị đất nước; phản hồi tương ứng và kịp thời đưa ra các chính sách; đồng thuận; minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo đó, chúng ta cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, bảo đảm điều kiện làm việc để tạo ra sự hấp dẫn trên thị trường lao động, giúp tăng năng suất lao động; hỗ trợ thực hiện tốt hơn chính sách an toàn, vệ sinh lao động giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, từ đó tối ưu hóa nguồn lực.
Cùng với đó, hoàn thiện chính sách đào tạo nghề giúp kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động chuyển đổi tay nghề và thích ứng với sự thay đổi việc làm trong môi trường mới; chính sách trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ việc làm giúp người lao động sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất việc để tìm kiếm việc làm mới dựa trên sự đam mê, đổi mới và sáng tạo. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động làm đúng ngành, nghề để phát huy tối đa khả năng lao động; chuyển dần từ chính sách lương tối thiểu sang lương đủ sống, bảo đảm để người lao động có tích lũy, ứng phó hiệu quả với khó khăn và khủng hoảng.
Đặc biệt, theo ông Ngọ Duy Hiểu chúng ta cũng cần quan tâm sửa đổi toàn diện chích sách về nhà ở xã hội, hình thành chính sách mới về nhà ở cho công nhân, tập trung nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân và nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu, giúp cho người lao động không ngừng cải thiện cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/04/2023
16:08, 23/04/2023
12:29, 22/04/2023
03:35, 04/04/2023
03:45, 27/03/2023