Liên quan đến Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, các doanh nghiệp đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định về lĩnh vực thoát nước.
Theo đó, từ năm 2022, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về nghiêu cứu, rà soát, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước. Trải qua quá trình xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, đến ngày 08/6/2024, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 đưa dự án Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, lấy ý kiến Quốc hội vào Kỳ họp thứ IX tháng 5/2025 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ X tháng 10/2025.
Tại Dự thảo Luật Cấp, thoát nước (Dự thảo), vấn đề liên quan đến quản lý đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực thoát nước, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng nhận định, thoát nước là một trong những ngành nghề hoạt động công ích, mang tính an sinh xã hội, phục vụ người dân là chính. Các công trình thoát nước hoạt động tuần hoàn, kết nối và liên thông với nhau. Việc quản lý, vận hành, cải tạo sửa chữa hệ thống thoát nước đòi hỏi phải có kinh nghiệm tích lũy và sự hiểu biết về hiện trạng các công trình thoát nước, cũng như đòi hỏi một tập thể cán bộ, công nhân viên lành nghề.
Do đó, tại Điều 42 Dự thảo cần bổ sung không chỉ đối với với hệ thống thoát nước chống ngập, hệ thống xử lý nước thải tập trung, phân tán mà cả đối với việc vận hành hệ thống thoát nước nói chung cũng cần có tiêu chí khi lựa chọn đơn vị quản lý vận hành là “Đội ngũ cán bộ, nhân viên chủ chốt phải có kinh nghiệm công tác, được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề phù hợp và sự hiểu biết về hệ thống thoát nước của khu vực”.
Đồng thời, cần bổ sung, làm rõ quy định về việc tham gia, cũng như vai trò của các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước trong các dự án về thoát nước và xử lý nước thải (bao gồm cả các dự án hạ tầng kỹ thuật khác nhưng có các công trình liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải) ngay từ giai đoạn lập dự án, triển khai dự án đến khi hoàn thành, bàn giao đưa vào vận hành để các công trình có thể phát huy tốt nhất hiệu quả của các hạng mục.
Ngoài ra, việc triển khai các quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch thoát nước chống ngập còn khá chậm. Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ. Thực tế cho thấy, nguồn vốn này rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA. Sự phối hợp giữa đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ, chưa tính hết đến yếu tố tổng quan chung của khu vực.
Đồng quan điểm, ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất, đối với lĩnh vực thoát nước, cần quy định cụ thể về quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, đảm bảo cung cấp nước sạch và an toàn cho cộng đồng, nông nghiệp và công nghiệp.
“Đề ra các quy định về quản lý và giám sát hệ thống cấp thoát nước. Xác định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng, cơ chế giám sát và kiểm tra, thiết lập hệ thống thông tin liên quan để quản lý và giám sát hiệu quả”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, về vấn đề bảo vệ, quản lý và xử lý khi hạ tầng các công trình cấp thoát nước bị xâm lấn như lấn chiếm không gian bố trí cống thoát nước, cống thoát nước bị xâm lấn bởi các hạng mục hạ tầng ngầm khác, theo ông Thành, vấn đề này cần được đưa vào Luật nhằm tăng tính răn đe, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, liên quan đến nội dung này, chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng Luật Cấp, Thoát nước ở Nhật Bản, ông Aoyama Yoshihiko, Tư vấn trưởng, Chuyên gia Ban tư vấn của Cơ quan Phát triển Nhật Bản (JICA) cho rằng, quy hoạch thoát nước cần được đưa vào Chiến lược quốc gia, quy hoạch cơ bản, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Ở Nhật Bản, Chính phủ hỗ trợ tài chính cho địa phương, do đó có kế hoạch ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng xã hội thuộc quy hoạch theo luật định cấp Nhà nước.
“Quy hoạch thoát nước nhằm tăng cường phân bổ ngân sách đối với dịch vụ thoát nước cho địa phương, do đó cần có quy hoạch thoát nước cấp quốc gia. Cần thúc đẩy chính sách tích hợp biện pháp cứng và biện pháp mềm song song tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, xây dựng luật mới đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành cũng như giữa trung ương và địa phương. Cần có quy định về biện pháp hỗ trợ trong trường hợp khó đấu nối mạng lưới thoát nước cả về mặt vật lý và mặt kinh tế”, ông Aoyama Yoshihiko chia sẻ.