Giữ chiếc ghế quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp kinh doanh nội dung số hàng đầu của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2013, Phan Sào Nam khi đó có biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm, hay những email được gửi vào lúc rạng sáng.
Thông tin ông Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online) bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ bắt giam và khởi tố về các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cổ phiếu VTC cũng “vạ lây”. Ghi nhận phiên giao dịch ngày 12/3, giá cổ phiếu của Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện - Công ty TNHH 1TV sở hữu (VTC) rớt giá thê thảm.
Thời hoàng kim…
Được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc VTC Intecom vào năm 2006, 2 năm sau, ông Phan Sào Nam cùng các đồng nghiệp đã đã thành lập lên VTC Online.
Giữ chiếc ghế quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp kinh doanh nội dung số hàng đầu của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2013, Phan Sào Nam khi đó có biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm, hay những email được gửi vào lúc rạng sáng.
Công ty này dưới vai trò lãnh đạo của ông Nam cũng nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến khi đó. Lợi nhuận của VTC Online giai đoạn trước 2012 cũng ghi nhận đà tăng ổn định, đạt mức xấp xỉ 40 tỷ đồng.
Đặc biệt, giữa năm 2012, Phan Sào Nam trở nên nổi tiếng khi là người "dẫn mối" cho khoản đầu tư 10 triệu USD từ Quỹ DWS Việt Nam vào VTC Online, thông qua Công ty quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore.
Sau 3 năm hình thành và phát triển, VTC Online trở thành 1 trong 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam, đặc biệt là về game. Trong đó có những game hết sức thành công như: CF, Fifa Online 2, Audition... Ở thời điểm đó, VTC Online được định giá hàng nghìn tỷ đồng, có tới hơn 500 nhân viên.
Tuy nhiên, trái với cam kết khi nhận khoản đầu tư, VTC Online bắt đầu gặp trục trặc vì chính mảng kinh doanh cốt lõi và dần chệch khỏi đường ray những năm sau đó.
Thoả thuận “kỳ lạ”
Trong đợt kiểm toán VTC Online, Công ty kiểm toán KPMG đã chỉ ra những thỏa thuận “lạ kỳ” khi nhận đầu tư vốn đầu tư phát hành cổ phiếu cho 2 quỹ IDG Ventures và Prime Limtied. Thậm chí KPMG sau đó phải đưa ra nhận định trong 2 năm liên tiếp cảnh báo “những yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”.
Theo báo cáo kiểm toán của VTC Online, các hợp đồng/thỏa thuận này cho phép các nhà đầu tư được quyền bán lại số cổ phiếu đã mua theo mức giá thỏa thuận trong hợp đồng sau môt thời hạn đã được quy định hoặc nếu Công ty không đạt một số điều kiện nhất định.
Trong báo cáo tài chính của Cơ sở kiểm toán loại trừ của KMPG trong BCTC riêng năm 2015 của VTC Online cho thấy: “Theo Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 6/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính về thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, các công cụ tài chính không bao gồm nghĩa vụ theo hợp đồng để trả tiền hoặc tài sản tài chính cho đơn vị khác theo các điều kiện có thể bất lợi cho người phát hành và các công cụ tài chính không phải là công cụ vốn chủ sở hữu được tổ chức phát hành trình bày là nợ phải trả.
Nếu Công ty áp dụng theo Thông tư 210, một phần, hoặc toàn bộ số tiền thu được từ phát hành cổ phần cho IDG Ventures và Prime Limited mà Công ty đang ghi nhận là vốn chủ sở hữu có thể phải trình bày lại là nợ phải trả”.
Như vậy, với những thỏa thuận “kỳ lạ” có thể sẽ gây nhiều bất lợi cho VTC Online. Bởi nếu VTC Online tuân thủ theo Thông tư 210, thực chất khoản đầu tư của IDG Ventures và Prime Limited là một khoản cho vay với “thời hạn được ấn định” và rủi ro hơn là “quyền mua” này có thể kích hoạt bất cứ lúc nào nếu VTC Online “không đạt một số điều kiện nhất định”.
Trật đường, rơi vào vũng lầy
Phương hướng kinh doanh dần lạc khỏi đường ray, đặc biệt là thua lỗ lớn xoay quanh các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game khiến VTC Online ghi nhận khoản lỗ ròng tới 102 tỷ đồng năm 2014. Khoản lỗ này không chỉ ngốn hết phần lợi nhuận tích lũy và đến tận những năm sau đó vẫn chưa thể xóa hết.
Dù bắt đầu “ngoi” lên vực dậy từ năm 2015, nhưng với con số lợi nhuận khiêm tốn 8-10 tỷ đồng. Mức lỗ kỷ lục năm 2014 đã thực sự gây ảnh hưởng đến nhiều năm sau đó, báo cáo kiểm toán 2016 tiếp tục ghi nhận công ty này vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 42 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn điều lệ. Dù doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận năm 2016 vẫn chỉ ở mức dưới 10 tỷ, biên lợi nhuận khoảng 0,5%.
Ghi nhận từ Quỹ DWS Việt Nam vào năm 2015 cho thấy, khoản đầu tư vào VTC Online chỉ còn 2,15 triệu USD, chỉ bằng một phần năm so với giá trị đầu tư ban đầu là 10 triệu USD.
Đáng lưu ý, báo cáo kiểm toán, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 81.812 triệu đồng.
Cuối năm 2017, VTC thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại VTC Online với mức định giá chỉ bằng một phần năm so với trước đó 5 năm khi DWS Việt Nam rót vốn. Tuy nhiên phiên đấu giá này đã bị hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Như vậy, Phan Sào Nam đã đi “lạc” hẳn đường khi thay vì tập trung xây dựng và phát triển VTC Online, lại “bắt tay” với Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao để điều hành đường dây đánh bạc trá hình qua mạng với quy mô lớn, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Sau khi ông Phan Sào Nam bị khởi tố, giá cổ phiếu của Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện - Công ty TNHH 1TV sở hữu (VTC) giảm về còn 11.400 đồng/cổ phiếu và 11.500 đồng/cổ phiếu vào phiên chiều ngày 12/3, sát mức sàn là 11.300 đồng/cổ phiếu.
Ông Phan Sào Nam là cổ đông của Công ty cổ phần VTC Truyền thông Trực tuyến (VTC Online), đơn vị do VTC sở hữu tới 44,7% vốn thực góp của VTC Online. Trước đó, đầu năm 2018, VTC đã thoái toàn bộ vốn sở hữu tại VTC Online, tương đương hơn 1 triệu cổ phần với giá rẻ bằng 1/5 cách đây 5 năm (chỉ 107.388 đồng/cổ phần) nhưng không thành công.