15 năm bỏ công, bỏ của khai khẩn đất hoang thành một vùng đất hồi sinh, nhưng khi bị thu hồi, gia đình ông Đàm Quang Hào (thôn Đá Trắng - xã Thống Nhất - huyện Hoành Bồ) lại bị "kết tội" làm trái phép và không được đền bù một đồng nào. Quyết định không thấu tình đạt lý này đang gây bức xúc trong dư luận.
Luật sư Bùi Duy Thái, thuộc Văn phòng Luật sư Lưu Đức Quan, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đã có những chia sẻ với Báo Diễn đàn doanh nghiệp về việc này.
Theo Luật sư Thái, việc UBND huyện Hoành Bồ xác định đối tượng bị thu hồi đất thửa 99,100 do gia đình ông Đàm Quang Hào đang sử dụng lại là UBND xã Thống Nhất và lấy lý do này để không bồi thường, không hỗ trợ là chưa đảm bảo quy định của pháp luật, bởi đối tượng bị thu hồi đất luôn là người đang trực tiếp sử dụng đất.
Theo Ls Thái, Có hai vấn đề pháp lý quan trọng khi giải quyết việc bồi thường cho hộ ông Đàm Quang Hào.
Thứ nhất, bồi thường đất: Để xác định đất có được bồi thường hay không cần phải xác định được nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng đất, sau đó áp dụng các quy định cụ thể về việc bồi thường đất. Ngoài ra, trong quá trình lập phương án bồi thường còn vận dụng các quy định của pháp luật có lợi cho người đang sử dụng đất để tránh gây quá nhiều thiệt thòi.
Thứ hai, bồi thường về cây trồng: đầu tiên xác định cây trồng thuộc quyền sở hữu của ai. Sau đó xác định các loại cây trồng có thuộc một trong các trường hợp không được bồi thường theo khoản 1 Điều 27 Quyết định số 3000/2017/QĐ – UBND ngày 2/8/2017 “về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” hay không.
Nếu cây trồng không thuộc một trong các trường hợp không được bồi thường thì phải bồi thường cho người sở hữu hợp pháp mà không phụ thuộc vào việc đất đó có được bồi thường hay không bồi thường. Trong trường hợp này, cây trồng vật nuôi của gia đình ông Hào xứng đáng được hỗ trợ, bới gia đình ông đã tôn tạo đất hoang để phát triển kinh tế suốt 15 năm, không một lần bị xã xử lý.
Nói về Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh trao tặng “Hộ nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2011-2014” cho gia đình ông Hào, Luật sư Thái cho biết: để đạt được thành tích hộ nông dân sản xuất giỏi phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải được lập hồ sơ đề nghị xét duyệt và được phê duyệt theo quy định tại Văn bản số 18 -QĐ/HNDTW ngày 12/01/2011 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Xét duyệt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi ở cấp nào đều phải làm hồ sơ xét duyệt ở cấp đó và phải được chính quyền ủng hộ.
Bằng khen Hộ nông dân giỏi giai đoạn 2011-2014 do UBND trao tặng gia đình
Tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất theo Văn bản số 18 -QĐ/HNDTW để đạt được hộ nông dân sản xuất giỏi đó chính là phải “gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Điều lệ, nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động”.
“Như vậy, có thể thấy thửa đất 99, 100 hộ ông Đàm Thanh Tùng sử dụng để sản xuất nông nghiệp được cả UBND huyện Hoành Bồ và UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là hộ nông dân sản xuất giỏi thì phải được chính quyền công nhận và ủng hộ cho sử dụng đất. Không ai tặng giấy khen, bằng khen cho người dụng trái phép đất đai trên chính thửa đất dùng để làm căn cứ cấp hộ nông dân sản xuất giỏi”, Ls Thái khẳng định.
Ở đây cũng phải nói rằng, việc tặng bằng khen của chính quyền địa phương cũng là cách để động viên, khuyến khích người dân tiếp tục lao động, phát triển sản xuất. Và nó chính là động lực để gia đình ông Đàm Quang Hào đầu tư tiền của để trồng sen, thả cá đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Giờ đây, việc thu trắng cây cối, vật nuôi của gia đình ông Hào tạo ra một sự trái khoáy trong các quyết định của chính quyền huyện Hoành Bồ. Liệu có lợi ích gì từ dự án xây dựng hồ điều hòa chăng?
Cũng theo Luật sư Thái, cách mà huyện Hoành Bồ và xã Thống Nhất đối xử với một gia đình nông dân đã có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp bằng cách thu hồi toàn bộ đầm canh tác mà không bồi thường một đồng nào, kể cả công tôn tạo, đắp bờ, vật liệu, cây cối trong đó, bất chấp mồ hôi, công sức mà gia đình đã bỏ ra tại đây, xét về mặt pháp lí và đạo lí đều không ổn.
Điều này còn có thể khiến nhiều hộ nông dân lo ngại không dám mạnh dạn đầu tư, vì sợ rủi ro khi bị thu hồi và rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất trên bước đường nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp mà địa phương đang theo đuổi, Luật sự Thái nhấn mạnh.
Trước đó, như DĐDN đã đưa, để tiến hành xây dựng dự án chống ngập lụt cho cánh đồng Ba Sào tại thôn Đá trắng, xã Thống Nhất, UBND huyện Hoành Bồ sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Trong đó, thửa đất 99, 100 được gia đình ông Hào khai hoang phát triển kinh tế từ năm 2002. Từ đó đến nay, gia đình nhiều lần bỏ tiền của công sức cải tạo vùng đất này để nuôi cá, nuôi vịt, nuôi ếch và sau đó là trồng Sen. Suốt 15 năm khai hoang, khẩn hóa nơi đây, gia đình ông Hào chưa một lần bị chính quyền địa phương nhắc nhở hay bị phạt vì khai hoang khẩn hóa trái phép.
Tuy nhiên, UBND huyện Hoành Bồ lại cho rằng đất là của xã Thống Nhất và gia đình ông Hào nuôi trồng trái phép, không được đền bù, không được hỗ trợ.
"Tôi mong cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh vào cuộc nhanh chóng để xem xét và giải quyết vụ việc cho gia đình một cách thỏa đáng nhất. Có như vậy, gia đình tôi cũng như nhiều người nông dân khác mới có niềm tin vào chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh", ông Hào chia sẻ.