Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan, có cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đầu tư này.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 75 dự án mới và 17 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 147,3 triệu USD (bằng 35,4% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 39,8% vốn), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 19,7% vốn), bán buôn, bán lẻ (chiếm 16,8% vốn). Còn lại là các ngành khác.
Lũy kế đến tháng 8 năm 2024, Việt Nam đã có 1.757 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,26 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%), nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%), Campuchia (13,2%), Venezuela (8,2%)...
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt có nhiều tín hiệu tích cực song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ cần xây dựng đề án chiến lược đầu tư ra nước ngoài hoàn chỉnh.
Cần đánh giá thực trạng và hiệu quả của hoạt động này tới nền kinh tế trong thời gian qua. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần được hỗ trợ và khuyến khích để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước. Bên cạnh đó những chính sách về quản lý dòng tiền đầu tư ra cũng cần được hoàn thiện hơn nhằm định hướng mục đích đầu tư, quản lý theo giai đoạn và giảm thiểu các hoạt động rửa tiền hay trốn thuế.
Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt, thậm chí doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ vấp phải rủi ro pháp lý.
Do đó, doanh nghiệp Việt trước khi ra biển lớn thì cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý, đây được ví như phao cứu sinh giúp doanh nghiệp không bị chìm khi gặp bão”, ông Vũ Văn Chung khuyến nghị.
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam lưu ý, một điển hình của khối doanh nghiệp nhà nước là “người khổng lồ” PVN, đã có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài thành công, nhưng cũng có cả dự án “sa lầy” như dự án tại Venezuela.
Từ đó, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa khuyến cáo, đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường.
Bên cạnh đó, cần quan sát, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước, xem cách họ ứng xử với chính quyền nước nhận đầu tư để rút ra kinh nghiệm cho đơn vị mình. Thận trọng với các quốc gia thiếu các thể chế phát triển vì chứa đựng nhiều rủi ro trong môi trường bất ổn định chính trị.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chia sẻ, tạo liên minh với các tổ chức, doanh nghiệp khác như các đại sứ quán, hiệp hội, nhà phân phối tại địa phương, ngân hàng… để có nhiều nguồn lực quản trị rủi ro chính trị hơn, nhằm tận dụng thế mạnh của từng bên liên kết”, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.
Nêu ý kiến nhận xét về một tấm gương tiêu biểu cho doanh nghiệp Việt ra thế giới, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài khẳng định: “Chắc chắn, Viettel là một biểu tượng”.
“Tại sao Viettel bây giờ đầu tư ra khắp cả châu Mỹ, châu Phi, châu Á nhưng vẫn thành công. Viettel đi vào phân khúc bình dân, giá rẻ, nhưng người dân có nhu cầu rất lớn”,GS-TSKH Nguyễn Mại nhận định.
Đặc biệt, Viettel có chính sách gắn với người dân bản địa, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, bảo trợ xã hội, tạo nên uy tín rất cao cho người Việt Nam nói chung và cho Viettel nói riêng ở những nơi Viettel đầu tư. Vậy nên Viettel thành công.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để doanh nghiệp Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” thành công thì cần nâng cao hiệu quả quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài. Thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong việc phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cụ thể, cần quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài theo hướng chính phủ chỉ cấp phép và quản lý đối với các dự án của doanh nghiệp nhà nước, các dự án của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, cam kết tự cân đối ngoại tệ chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Hướng tới thay thế hình thức quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ biện pháp hành chính, như cấp giấy, thẩm định chứng nhận đầu tư ra nước ngoài… sang phương thức quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài theo cơ chế thị trường bằng hình thức thông qua chính sách về ngoại hối (quản lý dòng tiền) và chính sách tiền tệ, tài khóa (lãi suất, chính sách ưu đãi về thuế…