Mặc dù năm 2020 bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, khó lường, công tác đối ngoại của Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu, giúp nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM
TÂM THẾ MỚI TRONG GIAI ĐOẠN CHIẾN LƯỢC MỚI
Mặc dù năm 2020 bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, khó lường, công tác đối ngoại của Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu, giúp nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
Trả lời phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn thấy được tia sáng của vận hội và thuận lợi. Đó là thế và lực mới của Đất nước sau 35 năm Đổi mới, sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ. Đây là những tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới”
- Thưa Phó Thủ tướng, năm 2020 có thể coi là năm bận rộn của đối ngoại Việt Nam. Nói một cách khác, năm 2020 là năm Việt Nam thể hiện vai trò kép của mình trên bình diện ngoại giao đa phương: Cả trong khu vực và trên thế giới. Xin Phó Thủ tướng chia sẻ rõ nét hươn về những thành tựu mà đối ngoại Việt Nam đã đạt được trong năm 2020?
Năm 2020 là một năm đặc biệt. Tình hình thế giới, khu vực đều biến động hết sức nhanh chóng và đặc biệt khi COVID-19 xảy ra trên thế giới cũng như ở khu vực và trong nước ta đã chịu ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội, sức khỏe của người dân.
Trong tình hình như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ kép, vừa kiềm chế được dịch COVID-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta.
Đó là những thành tích hết sức lớn lao của đất nước chúng ta trong năm 2020, cũng là cơ sở hết sức thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước chúng ta trong năm. Thông thường thì khi COVID-19 xảy ra như vậy, các hoạt động đối ngoại trên thế giới, của các nước đều bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta cũng không ngoại lệ, nhưng trong hoạt động đối ngoại của chúng ta năm 2020, chúng ta vẫn triển khai được các hoạt động hết sức quan trọng, cả đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương.
Đó là việc chúng ta duy trì được quan hệ với các đối tác không phải qua các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao ta và của lãnh đạo của các nước đến Việt Nam như thông lệ các năm. Năm 2020, chúng ta đã chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi bằng điện đàm, bằng trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước với trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao ta với lãnh đạo của hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như trong khu vực. Trong các cuộc điện đàm, các nội dung về tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước vẫn được triển khai. Đây là một điểm hết sức đặc biệt vì thông thường hàng năm, các chuyến thăm của các nước đến Việt Nam cũng như Việt Nam ra các nước trung bình có khoảng 10-20 cuộc nhưng riêng năm 2020, chúng ta vẫn triển khai được 33 cuộc điện đàm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác. Điều đó nói lên chúng ta vẫn duy trì được quan hệ với tất cả các nước quan trọng.
Năm 2020, chúng ta đảm nhận vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA) và đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong năm 2020 chúng ta đã triển khai và cho đến thời điểm này có thể nói đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch của ASEAN, của AIPA cũng như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với những kết quả hết sức cụ thể. Đó là tiếp tục đề cao sự đoàn kết, gắn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thích ứng với những biến động trên thế giới cũng như trong khu vực và với từng nước. Đồng thời chúng ta cũng đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với tâm thế của một nước có tiếng nói và vai trò, đồng thời là đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình và nhỏ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về hội nhập kinh tế, trong năm 2020 chúng ta cũng đã cùng với Liên minh Châu Âu triển khai việc thúc đẩy và thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và cùng với các nước trong ASEAN thúc đẩy để ký kết được Hiệp định thương mại RCEP. Đó là những đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại hết sức quan trọng của đối ngoại Đảng và Nhà nước ta.
Trong 2020, một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà đối ngoại đã phải thực hiện là bảo hộ công dân trong tình hình mới, khi Covid-19 xảy ra trên thế giới và khu vực khiến nhu cầu bảo vệ, bảo hộ công dân của Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có. Chỉ riêng số lượng công dân chúng ta hỏi về các lĩnh vực liên quan đến bảo hộ người dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại bảo hộ công dân đã tăng gần 200% các cuộc gọi trong năm 2020. Điều đó nói lên là nhu cầu bảo hộ công dân ở bên ngoài rất lớn. Nhưng điểm lớn nhất là việc trong Covid-19, Việt Nam có thể nói là một trong số ít các nước đã có các chuyến bay đưa công dân Việt Nam học tập hoặc thăm viếng ở nước ngoài bị mắc kẹt muốn về nước. Chỉ riêng trong năm 2020 chúng ta đã triển khai trên 260 chuyến bay chở 73 ngàn công dân Việt Nam ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về nước một cách an toàn. Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bảo hộ công dân.
Một lĩnh vực nữa phải nói là trong 2020, vấn đề quảng bá Việt Nam ra nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện. Chúng ta cũng rất hy vọng, mong chờ là với vai trò Chủ tịch của ASEAN, phóng viên báo chí sẽ đến Việt Nam và qua phóng viên báo chí nước ngoài đến Việt Nam chúng ta có thể quảng bá được nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến việc báo chí nước ngoài, phóng viên nước ngoài vào Việt Nam. Trong tình hình đó, báo chí Việt Nam, báo chí đối ngoại đã tiếp tục quảng bá được đất nước, con người Việt Nam thông qua phương thức mới, đó là nền tảng số. Qua nền tảng số này, việc quảng bá Việt Nam đã vươn xa so với trước đây rất nhiều.
Trong các hoạt động đối ngoại của năm 2020, còn điều gì tiếc nuối chưa làm được, có lẽ điều tiếc nuối duy nhất là việc các chuyến thăm của các nước đến Việt Nam chưa tổ chức được do dịch Covid-19. Chúng ta cũng mong muốn là với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, sẽ có các chuyến thăm quan trọng của các nước đến Việt Nam vì chúng ta là nước chủ nhà, và cũng để chúng ta thể hiện rõ tình hình quan hệ của Việt Nam với các nước. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa đón được các đoàn cấp cao các nước sang Việt Nam. Đó là điều mà chúng ta trăn trở. Nhưng đổi lại, chúng ta có thể dùng các phương thức khác để bày tỏ lòng hiếu khách của Việt Nam thông qua các cuộc điện đàm, quảng bá Việt Nam không được trực tiếp thì qua trực tuyến.
- Có thể nói năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử đối với đối ngoại Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép. Vậy thì xin đi sâu hơn vào một trong hai vai trò đó. Đầu tiên là với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những gì mà Việt Nam đã làm được và chưa làm được khi đảm nhiệm vai trò này?
Chúng ta bước vào năm 2020 với vai trò Chủ tịch của ASEAN. Về vai trò Chủ tịch ASEAN phải nói thế này, tất cả các thành viên trong ASEAN đều luân phiên đảm nhận vai trò Chủ tịch của ASEAN trong một năm. Và trong lịch sử, các nước cũng đều có đóng góp khi nước đó đảm nhiệm vai trò Chủ tịch.
Nhìn lại năm 2020, chúng ta cũng đã thấy rằng rất khác biệt so với các năm trước. Khác biệt lớn nhất đó là đại dịch COVID-19 xảy ra mà không nước nào có thể lường trước được và đương nhiên nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ASEAN bởi đặc điểm của ASEAN là phải có các hội nghị các cấp, các mức độ để thảo luận, trao đổi và định hướng cho các hoạt động.
Thực tế mà nói đã ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của Chủ tịch ASEAN. Song, năm 2020 chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là đánh giá không phải của chúng ta, đây là đánh giá của cộng đồng quốc tế, đánh giá trong các nước ASEAN và dư luận đối với chúng ta. Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trên các lĩnh vực. Trước tiên, chúng ta đã đề ra một chủ đề hết sức đúng với tình hình, đó là “gắn kết và chủ động thích ứng”. Chủ đề đó nói lên mục tiêu ASEAN muốn hướng tới trong năm Việt Nam làm Chủ tịch, cũng là thông điệp của ASEAN ra thế giới.
Chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” chúng ta lựa chọn đạt được mục tiêu là tăng cường vai trò trung tâm đoàn kết của ASEAN, sự thích ứng nhanh chóng không phải của từng nước mà của cả khối ASEAN đối với tình hình thế giới bên ngoài cũng như khu vực và đối với từng nước. Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng chủ đề của chúng ta hết sức đúng đắn.
Điểm thứ hai mà Chủ tịch ASEAN phải làm là đảm bảo thực hiện được toàn bộ nội dung của năm Chủ tịch ASEAN đã đề ra. Năm 2020, chúng ta đã đảm bảo các nội dung của một nước Chủ tịch, đó là vấn đề xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong cả năm ASEAN 2020, chúng ta đã thông qua được trên 80 văn kiện, trong đó tập trung vào: Một là xây dựng Cộng đồng ASEAN, thể hiện qua việc chúng ta thúc đẩy đánh giá, kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025. Hai là rà soát lại Hiến chương ASEAN cũng đã thực hiện được. Ba là xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025.
Thông thường các nước Chủ tịch sẽ có các sáng kiến và đảm bảo việc thực hiện sáng kiến đó như thế nào. Trong năm 2020, chúng ta dự kiến là có 32 sáng kiến đề xuất. Cho đến nay, 28 sáng kiến của chúng ta đã được đưa vào các văn kiện. Đó cũng là thành công của một nước Chủ tịch ASEAN, đưa các sáng kiến của mình đáp ứng được quan tâm chung của các nước ASEAN, đồng thời thích ứng được với tình hình.
Vấn đề thứ ba trong nội dung là ASEAN phải thích ứng được với tình hình mới. Năm 2020, với COVID-19, phải nói ASEAN là một tổ chức khu vực cho đến nay có thể nói không phải là duy nhất nhưng trong số ít thích ứng rất nhanh với tình hình COVID-19. Chúng ta đã tổ chức được các hội nghị đặc biệt của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với COVID-19 và đưa ra được 4 nội dung để thích ứng với COVID-19. Một là xây dựng được quỹ ứng phó; hai là xây dựng được kho dự phòng; ba là xây dựng được một kế hoạch để thích ứng với từng kịch bản của COVID-19; và thứ tư là xây dựng được kế hoạch phục hồi kinh tế sau COVID-19. Có thể nói là chúng ta với vai trò Chủ tịch đã thích ứng rất nhanh để thích ứng được tình hình COVID-19 xảy ra như vậy, trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.
Vấn đề thứ tư là chúng ta đã chuyển đổi phương thức họp của ASEAN, không giống như ASEAN của mọi năm. Thông thường, các hội nghị của ASEAN lên đến hàng trăm các cuộc họp trực tiếp giữa các nước trong ASEAN để thảo luận các vấn đề. Năm 2020, với dịch COVID-19, chúng ta không thể họp trực tiếp được. Chúng ta đã tổ chức trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao, trong đó có những cuộc họp cấp cao thường niên như Cấp cao 36, 37 và các cuộc họp cấp cao của ASEAN với các đối tác đặc thù về ứng phó với Covid-19, 70 cuộc họp cấp Bộ trưởng.
Điều đó nói lên chúng ta đã chuyển đổi phương thức rất nhanh, vẫn đảm bảo được tất cả các cuộc họp của ASEAN được tổ chức theo đúng kế hoạch và trên tất cả các lĩnh vực, trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh-quốc phòng, kinh tế và văn hóa-xã hội. Tất cả các cuộc họp đều diễn ra đúng dự định và đều thông qua được các văn kiện để được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Việc chuyển đổi phương thức của chúng ta đã hoàn thành.
Vấn đề thứ năm là chúng ta đã đưa ra những nội dung mới trong họp ASEAN, như việc nêu cao vai trò của phụ nữ. Lần đầu tiên ta đã tổ chức Hội nghị cấp cao trong ASEAN về phụ nữ và đây cũng là vấn đề xuyên suốt của chúng ta khi chủ động tham gia vào hoạt động ngoại giao đa phương không chỉ trong ASEAN mà cả tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một chủ đề mới nữa chúng ta đưa ra là sự tăng cường kết nối, trao đổi về kết nối giữa ASEAN với các tiểu khu vực. Cụ thể là hợp tác của các nước trong khu vực Mekong.
Tóm lại, trong năm 2020, nếu nói về dấu ấn của vai trò Chủ tịch ASEAN là gì, đó là chúng ta được đưa ra được chủ đề, đưa ra được nội dung thích hợp, thứ ba là phương thức hoạt động của ASEAN, thứ tư là đảm bảo nhanh chóng thích ứng với tình hình đem lại kết quả cụ thể. Đó là những dấu ấn của chúng ta trong vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
- Vậy bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào đối với vai trò dẫn dắt của Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?
Trong ASEAN, chúng ta luôn luôn mong muốn Việt Nam là một thành viên tích cực, coi ASEAN là một cộng đồng mà tất cả các nước thành viên đều cùng tham gia đóng góp. Chúng ta mong muốn là ASEAN tiếp tục đóng vai trò đoàn kết, gắn kết và quan trọng hơn là đóng vai trò trung tâm trong các cơ cấu của khu vực để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho các nước ASEAN phát triển thịnh vượng. Trong năm 2020, chúng ta đã hướng tới mục tiêu đó. Cũng có thể nói chúng ta không phải dẫn dắt mà đã cùng với các nước ASEAN đi đến những mục tiêu gắn kết, đoàn kết và thích ứng với những biến đổi nhanh chóng để cùng nhau phát triển.
- Còn một vai trò nữa đó là Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng có nhận định như thế nào về những việc chúng ta đã làm được trong vai trò Uỷ viên Hội đồng bảo an trong năm qua?
Đây là lần thứ hai chúng ta trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với nhiệm kỳ 2020-2021, chúng ta có một tâm thế hết sức vững vàng bởi lẽ chúng ta được số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử của Hội đồng Bảo an là 192/193. Điều đó thể hiện là các nước đặt lòng tin vào Việt Nam với vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta là đại diện của các nước đang phát triển, của các nước vừa và nhỏ. Chúng ta phải nói được lên tiếng nói của các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, cạnh tranh của các nước, đặc biệt là các nước lớn… tất cả những vấn đề đó đều được phản ánh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hay có thể nói là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cái gương phản chiếu tình hình thế giới, những vấn đề lợi ích của các nước trên thế giới. Và trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã tham gia đóng góp hết sức tích cực với tinh thần, nguyên tắc đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, lợi ích của các nước. Chính vì nguyên tắc đó, chúng ta đã đóng góp một cách tích cực và hiệu quả vào đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết những vấn đề của khu vực cũng như những vấn đề mới nổi lên trên thế giới và khu vực.
Ngay tháng đầu tiên làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã đóng vai trò là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cho đến nay cũng là tháng duy nhất trong năm tổ chức được tất cả các cuộc họp trực tiếp. Với vai trò Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã phát huy tốt, kết hợp được với vai trò Chủ tịch của ASEAN, đưa được vào hai nội dung hết sức quan trọng. Đó là tổ chức được phiên họp mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc tăng cường thực thi Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là cuộc họp mở có sự tham gia đông đảo nhất trong vài năm qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó nói lên là chúng ta đã đi cùng với tiếng nói chung, nguyện vọng chung của các nước, mong muốn trước tiên là Hội đồng Bảo an và các nước thành viên của Liên hợp quốc đều phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong việc xử lý các vấn đề.
Cũng trong tháng Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã đưa được vấn đề hợp tác giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với ASEAN. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta nêu cao được sự hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với một tổ chức khu vực là ASEAN. Bởi chúng ta có vai trò là Chủ tịch ASEAN nên đã lồng ghép, đưa được vấn đề đó vào trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nêu được vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong năm 2020, chúng ta đã thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam và cơ bản những ưu tiên đó chúng ta đã thực hiện được. Ưu tiên lớn nhất mà chúng ta đã thực hiện là thúc đẩy vai trò của phụ nữ với hòa bình, an ninh. Chúng ta đã tổ chức được Hội nghị toàn cầu về Phụ nữ và hòa bình, an ninh. Có lẽ hiếm có trong năm 2020, một hội nghị vừa trực tiếp vừa trực tuyến liên quan đến phụ nữ và hòa bình, an ninh do Việt Nam đứng ra tổ chức và đã thành công với sự tham gia của nhiều nước, nhiều diễn giả. Đặc biệt là cam kết Hành động Hà Nội đã được 30 nước đồng tác giả để đưa vào văn kiện.
Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam dự thảo và đưa ra thông qua một nghị quyết của Liên hợp quốc lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam dự thảo một nghị quyết và được 106 nước đồng tác giả, là con số kỷ lục về đồng tác giả của một nghị quyết. Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, đánh dấu một dấu ấn vươn tầm của đối ngoại Việt Nam, ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.
- Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta sẽ còn đảm nhận vai trò này trong năm tiếp theo. Vậy phương hướng, mục tiêu của Việt Nam khi đảm nhận vai trò này như thế nào để có thể giữ được những con số kỷ lục như Phó Thủ tướng vừa chia sẻ?
Năm 2021, chúng ta tiếp tục là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhiệm kỳ chúng ta là 2 năm và chúng ta cũng nhìn nhận năm 2021 tình hình thế giới sẽ tiếp tục biến động. Dịch COVID-19 có thể sẽ kiểm soát được mức độ và cũng có thể chưa được kiểm soát, sẽ tác động không nhỏ đến tình hình chung.
Tình hình kinh tế thế giới cũng trên đà phục hồi chậm. Đó là những tác động không nhỏ đến hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó là những cuộc xung đột đang tiếp diễn cũng như những khả năng xung đột mới có thể xảy ra, cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ưu tiên của chúng ta tiếp tục là các ưu tiên mà ngay khi chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chúng ta đã đặt ra.
Đó là giải quyết các xung đột, chú ý quan tâm đến vấn đề trẻ em trong xung đột, phụ nữ với hòa bình, an ninh, vấn đề khôi phục kinh tế sau xung đột, vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn sau xung đột. Một số vấn đề mới cũng hết sức đáng quan tâm mà chúng ta đưa vào ưu tiên là biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đó là những ưu tiên xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ cho đến năm thứ hai của nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với các ưu tiên đó, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũ và mới để thúc đẩy.
- Theo Phó Thủ tướng, đảm nhận thành công vai trò kép giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào?
Đường lối của Đảng và Nhà nước ta là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng đang thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là mục tiêu của chúng ta khi tham gia chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nói chung, trong đó hội nhập kinh tế là quan trọng.
Với hội nhập, mục tiêu của chúng ta là duy trì được môi trường hòa bình, ổn định ở bên ngoài hay là gìn giữ, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Với phương châm đó, chúng ta tham gia hội nhập, tham gia các tổ chức quốc tế để định hình, xây dựng luật lệ đảm bảo lợi ích của các nước, trong đó có lợi ích của chúng ta. Nghĩa là chúng ta không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà chủ động có trách nhiệm. Ý nghĩa thứ hai mà chúng ta đã thể hiện rất rõ trong quá trình tham gia thời gian vừa qua và sắp tới là nêu cao độc lập, tự chủ trong đường lối, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng quan hệ với các nước. Ý nghĩa thứ ba là chúng ta tham gia để nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “chưa bao giờ cơ đồ của Việt Nam trên trường quốc tế cao như ngày nay”. Điều đó cũng nói lên thành tựu của đất nước chúng ta trong 35 năm đổi mới đã đưa nước Việt Nam vươn lên vững mạnh, phát triển về kinh tế xã hội. Đồng thời, vai trò, vị thế của Việt Nam cũng được nâng lên.
- Cũng liên quan đến câu chuyện là nâng cao, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp nối những thành quả của năm 2020, xin Phó Thủ tướng có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm, những định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo?
Năm 2021, chúng ta cũng biết là dự báo tình hình thế giới và khu vực có lẽ sẽ tiếp tục biến động không ngừng, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Đó là những thách thức đối với tất cả các nước và đối với Việt Nam chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn nhận có rất nhiều cơ hội, đó là xu thế hòa bình, ổn định, xu thế mong muốn hòa bình, tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang phát triển, trong đó kinh tế số, những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là những cơ hội phát triển của chúng ta, không chỉ về kinh tế xã hội mà còn tạo ra những phương thức hoạt động cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại.
Với những tình hình như vậy, thứ nhất, đối ngoại của chúng ta trong năm 2021 sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng bằng những phương thức mới, đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, chúng ta tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động của chúng ta tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao để phát huy được những kết quả trong năm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những những nội dung của ASEAN trong năm 2020 tiếp tục phát triển trong năm 2021.
Thứ ba, chúng ta đã tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Chúng ta phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đó là nhiệm vụ chung cho tất cả các bộ, ngành, không phải chỉ riêng của ngành đối ngoại.
Thứ tư và quan trọng hàng đầu là chúng ta phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao và xuyên suốt.
Về công tác bảo hộ công dân, chúng ta hiểu rằng nhu cầu của công dân ta ở nước ngoài cũng sẽ còn rất lớn và công tác bảo hộ công dân là một trong những trọng tâm hoạt động đối ngoại.
- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!