[Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Kỳ vọng về Tuyên bố Hà Nội!

Theo Vân Anh/laodong.vn 26/02/2019 12:30

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh kỳ vọng về một Tuyên bố Hà Nội trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

- Đại sứ có cho rằng, bằng việc lựa chọn Hà Nội để tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều, lãnh đạo 2 nước muốn gửi thông điệp biến cựu thù thành bạn bè và cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn theo hình mẫu quan hệ Việt-Mỹ?

Tôi cũng chưa rõ họ sẽ gửi đi thông điệp gì vì Mỹ và Triều Tiên là người trong cuộc, nhưng ở đây có mấy câu chuyện trong quá trình lựa chọn địa điểm Việt Nam.

Thứ nhất, chắc chắn hai bên có sự tin cậy rằng Việt Nam đủ điều kiện bảo đảm vật chất, an ninh, hậu cần.

Thứ hai, rõ ràng Việt Nam là một người bạn và đối tác tin cậy cả hai phía Mỹ, Triều Tiên và những nước khác có liên quan. Nếu chúng ta nhìn lại dư luận từ trước khi hai bên quyết định chọn Việt Nam cho đến nay, thì câu trả lời cho câu hỏi “tại sao Việt Nam” luôn là câu trả lời thuận.

Thứ ba, nếu nhìn từ kinh nghiệm Việt Nam có gì, thì Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai bên, ứng xử phù hợp đối với các vấn đề khác nhau liên quan đến bán đảo Triều Tiên, phù hợp với đường lối đối ngoại của mình, đồng thời phù hợp với các văn bản của Liên Hợp Quốc.

Thứ tư, Việt Nam mang tính biểu tượng bởi Việt Nam đã từ một quốc gia chiến tranh, nghèo đói và thu nhập thấp, đã đổi mới về kinh tế, xã hội, ngày càng hội nhập và tham gia sâu rộng hơn, có trách nhiệm hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Thứ năm, rõ ràng, Việt Nam có kinh nghiệm mà nếu Triều Tiên cần mình cũng có thể chia sẻ được với bạn, đó cuộc chiến tranh trước đây với Mỹ, quá trình xử lý những vấn đề chiến tranh để lại, hướng tới tương lai, bình thường hoá quan hệ và tiến tới đối tác toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Chủ tịch UBND Hà Nội ra chỉ thị “nóng”

    13:30, 26/02/2019

  • Hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều: Châu Á có bình yên?

    12:15, 26/02/2019

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Lịch trình ngày đầu tiên

    11:48, 26/02/2019

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un về tới khách sạn Melia

    11:00, 26/02/2019

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Người dân Thủ đô chờ đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

    09:01, 26/02/2019

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Việt Nam

    08:31, 26/02/2019

  • Quan hệ Mỹ - Triều dưới góc nhìn chuyên gia

    06:00, 26/02/2019

  • [Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Cơ hội lịch sử của Việt Nam

    01:23, 26/02/2019

- Việt Nam có tham gia vận động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hay không, theo Đại sứ?

Tôi không nắm chắc diễn biến đằng sau hậu trường, nhưng cá nhân tôi suy đoán rằng, khi hai bên liên quan trực tiếp đưa ra nhiều địa điểm khác nhau (mà chúng ta đã nghe láng máng rồi), thì trong quá trình đó chắc chắn họ tham vấn Việt Nam và các nước khác.

Trong khi đó, Việt Nam luôn thể hiện tính chủ động, năng động và sắc bén về ngoại giao, bày tỏ sẵn sàng đóng góp vào hoà bình, giải quyết các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Việt Nam cũng thể hiện nếu được lựa chọn, chúng ta sẽ làm tốt trách nhiệm đó.

- Từ kinh nghiệm vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump của mình, ông cho rằng vì sao ông Donald Trump lại tin cậy Việt Nam để lựa chọn?

Tôi suy nghĩ thế này: Một là ông Donald Trump đã có chuyến thăm Việt Nam gồm cả Đà Nẵng và Hà Nội nhân Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Trong và sau chuyến thăm đó, ông đã bày tỏ cảm nhận tốt đẹp về Việt Nam, cả về sự đón tiếp, về trao đổi với lãnh đạo và về đất nước và con người Việt Nam.

Thứ hai, khi ông Donald Trump biết về Việt Nam, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã có nhiều đà để phát triển. Mặc dù quan hệ có những khúc mắc nhưng hai bên cùng bàn và đối thoại để xử lý một cách xây dựng.

- Đại sứ đánh giá thế nào về sự gia tăng uy tín và vị thế của Việt Nam qua thượng đỉnh này?

Trước đây nếu nhắc đến Việt Nam, người ta liên tưởng đến một cuộc chiến tranh khốc liệt, thì ngày nay người ta thấy một Việt Nam đổi mới, ngày càng đi lên vững mạnh về kinh tế. Thời gian gần đây, thế giới lại thấy một Việt Nam ngày càng tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm và sâu rộng hơn vào các vấn đề quốc tế, như trong Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC. Nhìn rộng trong bối cảnh đó sẽ thấy rõ vị thế Việt Nam ngày càng phát triển.

- Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore năm 2018 đưa ra những cam kết khá mơ hồ. Đại sứ có cho rằng hội nghị lần 2 này sẽ đạt thực chất không?

Câu chuyện bán đảo Triều Tiên rất phức tạp, đã gây căng thẳng ở khu vực và các bên liên quan trong gần 7 thập kỷ qua. Có nhiều vấn đề phải xử lý và giải quyết, từ câu chuyện phi hạt nhân hoá, lập lại hoà bình, giải quyết hậu quả chiến tranh, bảo đảm an ninh cho các bên, đến câu chuyện tháo gỡ nới lỏng cấm vận để hợp tác phát triển.

Ở hội nghị thượng đỉnh lần 1, sau 7 thập kỷ căng thẳng và sau nhiều lần nỗ lực ngoại giao, có lẽ đó đã là sự khởi đầu quan trọng và có ý nghĩa. Các bên trực tiếp liên quan đã thương lượng ở cấp cao nhất để mở tiến trình đối thoại và ngoại giao.

Ở hội nghị thượng đỉnh lần 2, việc hai bên quyết định ngồi lại với nhau ở cấp cao nhất chứng tỏ lãnh đạo hai bên vẫn cam kết cao nhất cho nỗ lực ngoại giao. Nếu như hội nghị lần 1 là khởi đầu tốt đẹp, thì dư luận và hai bên chắc chắn trông đợi hội nghị lần 2 tới sẽ có kết quả cụ thể hơn.

Đây là quá trình xử lý một vấn đề phức tạp tồn tại trong 7 thập kỷ. Khả năng về tuyên bố chấm dứt chiến tranh, câu chuyện về nỗ lực bình thường hoá quan hệ, rồi câu chuyện về các bước phi hạt nhân hoá hay nới lỏng cấm vận và giúp đỡ phát triển… sẽ được đặt lên bàn thương lượng.

Quyết định thế nào là do hai bên, nhưng tôi cho rằng khi đã quyết định gặp mặt lần nữa thì cả hai bên đều trông đợi vào những bước tiến. Cho nên tôi dự kiến và rất trông đợi sẽ có Tuyên bố Hà Nội (theo một hình thức tích cực nào đó) trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này.

- Đại sứ nhìn nhận thế nào về quan hệ Việt-Mỹ và Việt-Triều sau thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un?

Quan hệ Việt-Mỹ và Việt-Triều đã có sức sống rồi. Quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục có những bước phát triển lớn. Còn quan hệ Việt-Triều vốn là quan hệ truyền thống. Nhưng việc chúng ta cùng phối hợp với Mỹ và Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này vừa tạo ra sự tin cậy trong việc giải quyết những vấn đề khu vực và quốc tế, vừa tạo thêm đà thuận lợi cho quan hệ song phương.

Việt Nam với chủ trương đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá chắc chắn sẽ thực hiện thành công vai trò là một nước chủ nhà có trách nhiệm với sự kiện này.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Kỳ vọng về Tuyên bố Hà Nội!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO