Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này có nhiều đổi mới. Các đại biểu kỳ vọng, phiên chất vấn này sẽ đề cập trực tiếp, sâu những vấn đề cử tri quan tâm.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến nhằm tăng cường tính tranh luận khi mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút. Bên hành lang Quốc hội, DĐDN đã có cuộc trao đổi với các ĐBQH về cách thức chất vấn mới và những vấn đề ĐBQH quan tâm.
Tránh “câu giờ” nhưng vẫn có thể “linh động”: ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Người chất vấn phải chuẩn bị câu hỏi thật kỹ lưỡng, đúng trọng tâm, không giải thích dài dòng, người trả lời cũng phải đúng trọng tâm, không “rề rà” để “câu giờ”. Tuy nhiên, việc hỏi nhanh, đáp gọn có hạn chế là có những nội dung trả lời trong vòng 3 phút sẽ không thể giải thích kỹ hết được, hay chất vấn 1 phút nội dung cũng không diễn đạt rõ ý mà người chất vấn muốn hỏi. Tất nhiên, vấn đề thời gian cũng có thể được “linh hoạt” trong chất vấn và trả lời chất vấn. Ví dụ, có những nội dung liên quan đến nhiều vấn đề thì bộ trưởng có thể trả lời 3 phút hoặc hơn nhưng nội dung trả lời hợp lý thì chắc chắn sẽ được các ĐBQH thông cảm và bỏ qua.
Sẽ phải đi thẳng vào vấn đề: ĐBQH Hoàng Văn Cường ( Hà Nội)
Với hình thức hỏi nhanh, đáp gọn sẽ đòi hỏi các ĐBQH cần phải đưa câu hỏi chất vấn đi trực tiếp vào vấn đề. Đặc biệt, các “tư lệnh ngành” khi trả lời cũng buộc lòng phải trả lời thẳng vào vấn đề, không thể “vòng vo” báo cáo tình hình hay nói những vấn đề khác để kéo dài thời gian.
Trong các nhóm vấn đề trong phiên chất vấn tới, tôi quan tâm đến các vấn đề nhiều người quan tâm như tài nguyên môi trường về tình hình quản lý đất đai, ở đây không phải quản lý về mặt hành chính mà liên quan đến những khiếu kiện về đất đai kéo dài, đông người. Vấn đề đặt ra là quản lý kinh tế với lĩnh vực đất đai đã làm tốt chưa? Đây là điều rất nhiều ĐBQH và cử tri quan tâm. Hay trong lĩnh vực giao thông thì chúng ta thấy có những điểm nổi lên gần đây như tai nạn giao thông trong ngành đường sắt. Vậy vấn đề quản lý hoạt động của ngành như thế nào? Công tác cán bộ ra làm sao? Đây cũng là lĩnh vực được nhiều người quan tâm.
Với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tôi thấy có điểm mới là việc đề xuất ra bảo hiểm theo đa tầng. Có lẽ đây là vấn đề mới, tuy nhiên cử tri vẫn chưa nắm rõ về quan điểm và lộ trình thực hiện như thế nào. Đây là vấn đề tôi mong muốn được bộ trưởng làm rõ hơn cho ĐBQH cũng như đông đảo cử tri được biết.
Kết thúc phiên chất vấn kỳ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ trả lời các vấn đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm, trong các phiên thảo luận vừa qua tôi nhận thấy có những vấn đề nổi lên như quản lý vốn Nhà nước. Có lẽ đây cũng là vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi rằng Ủy ban này hoạt động như thế nào để khắc phục được vốn, tài sản như báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa qua hay không.
Hay như tiến độ cổ phần hóa các DNNN diễn ra chậm, tại sao lại như vậy và làm thế nào để đẩy nhanh vấn đề này, cũng như việc khắc phục yếu kém, thua lỗ của 12 đại dự án, mặc dù Bộ Công thương đã có giải trình nhưng Chính phủ cũng cần phải có tiếng nói rõ ràng hơn về định hướng trong việc giải quyết dứt điểm các dự án này.