Hồi sinh hãng dương cầm trăm tuổi

QUỐC HUY 04/07/2023 00:26

Từ thương hiệu đã rơi vào vòng xoáy sắp phá sản, Mason & Hamlin - hãng dương cầm của Mỹ, đã được vực dậy, trở thành thương hiệu nổi tiếng ngày nay.

Giữa thế kỷ 19, Mason & Hamlin là cái tên xuất hiện khá muộn, song công việc làm ăn vẫn rất thuận lợi. Tuy nhiên sau đó, ngành dương cầm Mỹ suy thoái, khiến Mason & Hamlin “lao đao”.

Cú sốc nặng

Thời đó, sản xuất dương cầm là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ khi sản lượng đàn của nước này chiếm đến một nửa sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, thập niên 1920 chứng kiến sự phổ biến của ô tô và máy vô tuyến truyền thanh, mở ra nhu cầu tìm kiếm giải trí mới của người tiêu dùng.

Cuộc Đại Khủng hoảng xảy ra năm 1929 càng khiến thu nhập trung bình giảm sút trầm trọng, kéo theo tiêu dùng ì ạch. Dĩ nhiên, doanh số dương cầm cũng chung số phận đìu hiu, 85% nhân lực làm đàn bị thải hồi. Mọi chuyện càng tệ hơn khi Thế chiến II nổ ra, nhiều nhà máy sản xuất dương cầm bị trưng dụng để chế tạo tàu lượn quân sự và cả quan tài.
Khi đó, Mason & Hamlin - vốn là hãng đàn chú trọng chất lượng và chi tiết - cũng lâm vào khó khăn. Hãng sang tay đổi chủ nhiều lần trước khi thuộc sở hữu của một hãng đối thủ là Aeolian vào năm 1929. Thương vụ có giá 450.000 USD (tương đương 7,7 triệu USD ngày nay).

Mason & Hamlin, dưới sự lãnh đạo mới và thời đại mới của chủ nghĩa tư bản, dần mai một. Tom Lagomarsino, Phó Chủ tịch Điều hành hiện tại của hãng, hồi tưởng: “Họ đưa ra rất nhiều kế sách giảm giá thành để đánh đổi chất lượng, tiêu biểu là thay gỗ thích bằng gỗ dái ngựa, và sau lại thay bằng gỗ dương. Chất lượng đàn vì thế kém đi nhiều”.

 Ảnh về cơ sở chế tác, kinh doanh dương cầm của hãng Mason & Hamlin

Ảnh về cơ sở chế tác, kinh doanh dương cầm của hãng Mason & Hamlin

Cái bóng của chính mình

Đến thập niên 1960, ngành công nghiệp vang bóng một thời càng chìm sâu vào khủng hoảng với việc TV trở thành món giải trí chính của các gia đình, máy nghe nhạc và trào lưu nhạc rock khiến người ta không còn quan tâm nhạc cổ điển và dương cầm nữa. Trong khi đó, những thương hiệu nước ngoài nhảy vào thị trường Mỹ và cạnh tranh trực tiếp với những cái tên nội địa còn lại.

Trong vòng một thập niên, lần lượt các thương hiệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc đến và đạt doanh số gấp đôi các thương hiệu Mỹ, còn các thương hiệu Mỹ thì lần lượt biến mất theo thời gian. Đến thập niên 1990 thì chỉ còn 9 cái tên Mỹ tồn tại trên thị trường. Ngành công nghiệp dương cầm Mỹ tới lúc này thực sự chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Vươn lên phục hưng

Đến năm 1996, một doanh nhân tên Kirk Burgett nhận thấy Mason & Hamlin đang bị rao bán trong một phiên tòa phá sản, và ông quyết định “chấp nhận rủi ro để cứu thương hiệu này”. Tại thời điểm thương vụ vừa hoàn tất, Mason & Hamlin chẳng khác nào mớ bòng bong: các chủ nợ rút sạch mọi thứ trong xưởng sản xuất để trừ nợ, và hãng không còn một chiếc đàn nào.

Với quyết tâm khôi phục hãng đàn, ông Burgett nhận ra rằng dòng đàn đỉnh nhất của Mason & Hamlin được sản xuất vào đầu những năm 1900, nên ông bắt tay từng bước gây dựng lại từ chính những nguyên mẫu huyền thoại.

Ông thuê một nhóm ba kỹ sư tái tạo trên máy tính cấu trúc của những mẫu đàn làm nên tên tuổi ngày xưa, áp dụng lại những phát kiến và vật liệu nguyên bản được dùng ở thế kỷ trước. Đặc biệt, ông cho gắn bộ cộng hưởng áp lực, một chi tiết “cây nhà lá vườn” do kĩ sư Richard Gertz của hãng sáng chế năm 1895.

Thêm vào đó, ông Burgett quyết duy trì tôn chỉ “chất lượng trên hết” cố hữu của Mason & Hamlin. Đội ngũ của ông mất hẳn một năm để hoàn thành chiếc đàn đầu tiên sau khi mở lại công ty, và những nhân viên đầu tiên của hãng cũng trải qua quá trình đào tạo tới hai năm để có thể tham gia chế tác những sản phẩm đạt tiêu chuẩn thủ công thượng thừa cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20.

Hái quả ngọt

Thời gian đã cho thấy tính đúng đắn của chiến lược này. Bây giờ, nước Mỹ chỉ còn trụ lại đúng 2 nhà sản xuất dương cầm. Đó chính là Mason & Hamlin cùng với Steinway. Trong khi Steinway có thị phần tương đối lớn và độ phổ biến rộng khắp, thì Mason & Hamlin - với chất lượng và độ chi tiết - nhắm vào phân khúc xa xỉ có thị phần nhỏ hơn nhiều. Mặc dù quy trình sản xuất đã tinh gọn, hãng vẫn mất tầm chín tháng để hoàn thiện một chiếc đàn cỡ lớn dùng trong hòa nhạc có giá bán lẻ 175 nghìn USD. Do đó, sản lượng trung bình của hãng tầm 2,5 chiếc mỗi tuần.

Theo Phó Chủ tịch Điều hành Mason & Hamlin, ông Lagomarsino, quy trình làm đàn kỳ công luôn được duy trì, không có ngoại lệ. Một chiếc đàn tốn từ 150 - 400 giờ chế tác với nhiều công đoạn đặc thù, ví dụ như: Khung ngoài của đàn được cắt, uốn và trữ trong kho nóng tới 30 ngày hay chiếc đàn được lên dây và chỉnh âm với 40 triệu lần nhấn phím.

Trở ngại lớn nhất hiện nay của Mason & Hamlin không phải là các hãng đối thủ, mà là các hình thức giải trí hiện đại (trò chơi điện tử, máy tính, mạng Internet, điện thoại di động...) vốn đã và đang chi phối thời gian rảnh của người dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản trị tài chính cho CEO thời gió ngược

    03:00, 02/07/2023

  • CSI thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững

    14:32, 02/06/2023

  • Văn hóa yêu thương trong quản trị doanh nghiệp

    01:00, 10/05/2023

  • Quản trị thành công Gen Z trong doanh nghiệp

    04:00, 01/05/2023

  • Chuyển đổi số và bài toán về quản trị tài chính

    04:51, 19/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hồi sinh hãng dương cầm trăm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO