Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Là người theo dõi sát quá trình đề xuất các cơ chế, chính sách cho 4 tỉnh, phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Hải Phòng, và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội, khi đã bắt tay vào xây dựng chính sách cho các địa phương này thì phải thực sự đặc thù, các chính sách này phải bảo đảm đủ mạnh, tạo được động lực phát triển cho các địa phương, giúp địa phương phát triển vượt lên được trên tinh thần khuyến khích các địa phương nỗ lực phát triển trên cơ sở được hưởng các khoản tăng thu vượt mục tiêu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh), trên tinh thần xây dựng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương này, chúng ta cần cân nhắc có thể xây dựng cơ chế đặc thù cho một số các tỉnh khác. Chúng ta cần khắc phục tình trạng một chính sách chung cho tất cả các tỉnh bởi điều kiện tự nhiên, thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương rất khác nhau thì mới có thể phát huy được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cùng với đó, tăng cường sự phân cấp, phân quyền quản lý, gắn với trách nhiệm của các địa phương.
Ở góc độ khác, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên 3 trụ cột: Cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao và động lực khoa học công nghệ. Tuy vậy, đại biểu cho rằng mới chỉ thấy các tỉnh đề xuất liên quan cơ chế chính sách tài chính, ngân sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mà chưa đề cập đến nhân lực và khoa học công nghệ.
“Các tỉnh nên đề xuất vì mỗi lần xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cũng khó khăn. Nhiều nước có động lực phát triển đều quan tâm có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ lãnh đạo quản lý đến doanh nhân, người lao động. Nước ta thu hút tốt FDI nhưng không phải cứ dựa mãi nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư mà cần thiết có chuyển dịch nghiên cứu, nâng hệ sinh thái khoa học công nghệ”, ĐBQH Vương Quốc Thắng nói.
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bình luận, điều quan trọng hơn trong việc thí điểm này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.
Có thể bạn quan tâm
18:12, 26/10/2021
17:32, 26/10/2021
22:20, 21/10/2021
18:55, 23/10/2021
20:55, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021