Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cùng với đó là công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bên cạnh những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, trong báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 gửi tới Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nhận định, hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là, khi nào thì tình trạng này chấm dứt?
“Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm. Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực”, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ.
Với hành lang pháp lý hiện hành, nhìn chung cán bộ, công chức đều tuân thủ pháp luật, tạo nên kỷ luật, kỷ cương trong vận hành bộ máy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những cá nhân thoái hóa, biến chất, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân trước mắt, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
Đơn cử, vụ án Lê Bá Dũng, Hoàng Văn Lân và Nguyễn Quốc Cương, cán bộ thanh tra giao thông Hà Nội bị Tòa án xét xử về tội "Nhận hối lộ" do có hành vi bảo kê cho doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Hay vụ việc xây dựng không phép gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (The Viva Park) tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai…
Không chỉ bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật, một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng “kẽ hở” về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi.
Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Điều này có thể nhìn thấy, qua Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020), tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh; 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí, tăng 2 tỉnh so với năm 2019.
Tỷ lệ người dân chỉ phải đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%, phải đi lại tới hai lần chiếm tới 55,71%, phải đi lại tới ba lần là 9,64%, đi lại bốn lần là 4,41%....
Ngoài ra, kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cũng cho thấy 2020 cho thấy: tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu trong năm 2020 còn tương đối phổ biến, trong đó có hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước, “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng …
Những trường hợp vi phạm pháp luật không nhiều, song những cán bộ, công chức – những người có chức vụ quyền hạn lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi cho thấy kỷ luật, kỷ cương của chúng ta có nơi còn chưa nghiêm.
Công tác kiểm tra nội bộ có nơi chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vào một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ hơn để có giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
Cùng với đó, rà soát để bảo đảm hệ thống pháp luật chặt chẽ, thống nhất, không còn kẽ hở cho các cá nhân lợi dụng làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần khắc phục cho bằng được tình trạng tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ là “khâu yếu” vẫn tồn tại lâu nay. Muốn vậy, phải xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để lọt vi phạm trong khâu tự kiểm tra nội bộ.
Chỉ khi gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tự kiểm tra nội bộ, thì sẽ không còn tình trạng “lót tay”, không còn những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
18:03, 23/10/2021
17:37, 23/10/2021
17:15, 23/10/2021
16:41, 23/10/2021
15:45, 23/10/2021