PGS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tin tưởng: hợp tác công tư sẽ có được phương thức giải quyết căn bản trong 2019.
- Mặc dù, ngân sách cho đầu tư công rất hạn chế, nhưng rất nhiều dự án hợp tác công tư thời gian qua lại khiến dư luận bức xúc, thưa ông?
Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phê duyệt trong 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) là 2 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội phải lên đến hơn 10 triệu tỷ đồng. Rõ ràng, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng đầu tư công. Do đó, bắt buộc chúng ta phải huy động đầu tư xã hội vào đầu tư công, việc khai thác nguồn vốn từ tư nhân là con đường tất yếu. Thực tế, hợp tác công tư thời gian qua cũng đã đạt được rất nhiều thành công. Rất nhiều công trình hạ tầng như hệ thống giao thông phát triển là nhờ có hợp tác công tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có những tồn tại khiến cho đầu tư công bị dư luận có cái nhìn không thiện cảm, nhà đầu tư thì “chùn bước”. Ví dụ điển hình là BOT, nhiều dự án xảy ra vấn đề ngay từ khâu xác định dự án không phù hợp. Đơn cử, dự án không phải làm mới mà chỉ sửa chữa nhỏ. Ở đây khi không có sự phân định rõ ràng thì dẫn đến sự mập mờ giữa đầu tư mới và cải tạo. Hoặc làm đường tránh mà không xác định được thu phí đường tránh mà lại thu phí cả đường chính...
Với BT cũng xảy ra tiêu cực trong xác định giá đất để chuyển giao cho nhà đầu tư. Ở đây sai về bản chất, vì không có một cơ chế nào nói BT là đổi đất trực tiếp, mà chỉ khai thác nguồn lực từ quỹ đất để hoàn lại tiền cho nhà đầu tư. Không ai nói rằng đổi đất lấy công trình. Như vậy, với cách làm sai nên mới dẫn đến thất thoát.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 17/12/2018
12:21, 07/12/2018
13:30, 04/12/2018
08:00, 17/11/2018
Trong lĩnh vực dịch vụ công, ví dụ điển hình đặt máy xét nghiệm tại các bệnh viện công. Từ đây đẩy đến chuyện cái gì có thể sinh lời cao thì đưa sang làm dịch vụ. Bệnh viện nào cũng yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm lại mà không chấp nhận kết quả chiếu chụp từ bệnh viện khác, họ đã lợi dụng việc này chỉ với mục đích cho máy chạy hết công suất để đem lại nguồn thu. Những tiêu cực này là do cơ chế và cách triển khai thiếu chặt chẽ, không tuân thủ đầy đủ lợi ích hai bên. Sai phạm ở đây không phải bản chất của hợp tác công tư, những tiêu cực đó là do bị lợi dụng nhằm thu lợi cho một nhóm lợi ích.
- Như ông có phân tích, có những điểm tốt của hợp tác công tư đang bị lợi dụng. Vậy theo ông thời gian tới cần phải xử lý vấn đề này như thế nào?
Nếu chúng ta công khai, minh bạch và để người dân cùng các tổ chức độc lập tham gia đóng góp ý kiến, giám sát thì sẽ không có sự phản đối. Khi công khai, minh bạch doanh nghiệp sẽ nhìn thấy lợi ích của mình là cái gì, đồng thời cần chỉ rõ những rủi ro trong quá trình đầu tư có thể không phải do chủ quan mà từ khách quan.
Đối với dự án BT, chúng ta rất cần nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư xây dựng công trình trước, sau khi hoàn thiện nhà nước sẽ nhận lại công trình và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Tiền hoàn vốn sẽ lấy từ khai thác nguồn lực sẵn có, như nhờ có công trình này sẽ làm cho giá trị đất tại khu vực đó tăng. Khi công trình hoàn thành, nhà nước sẽ khai thác quỹ đất tại đây như đấu giá đất công khai, minh bạch để thu tiền trả lại cho nhà đầu tư. Làm được như vậy sẽ không còn câu chuyện thất thoát, tiêu cực, giá đất thấp.
- Đã nói hợp tác công tư thì lợi ích cả công và tư đều phải hài hòa, thưa ông?
Trong bối cảnh dù chưa có luật hợp tác công tư, nhưng không phải không có đủ tính pháp lý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thực hiện những dự án hợp tác công tư một cách hợp pháp. Không lặp lại tiêu cực và phản ứng của xã hội như thời gian vừa qua, nếu việc này được làm một cách công khai, minh bạch và đảm bảo dự án đó mang lại lợi ích cho cả phía công là những người hưởng lợi và phía tư là những nhà đầu tư.
Mỗi dự án được nghiên cứu, xây dựng đầu tiên bao giờ cũng xuất phát từ đáp ứng nhu cầu công, sau đó là đảm bảo lợi ích tư. Còn khi một dự án lập lên mà vai trò cá nhân nhà đầu tư được đẩy lên trên và ảnh hưởng đến lợi ích công thì chắc chắn sẽ bị phản ứng và phản đối.
- Đối với những dự án hợp tác công tư đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đơn cử như chuyện tiêu cực đầu tư công trong các bệnh viện, đấu giá đất theo hình thức BT… cần xử lý ra sao, thưa ông?
Với những dự án tới đây nếu muốn triển khai thì phải được chỉ rõ lợi ích, chi phí cho các bên cùng biết và phải luôn được cập nhật thông tin. Còn với những dự án đã triển khai khi phát hiện tiêu cực cũng cần được xử lý theo 2 phương án.
Thứ nhất, những nhà quản lý, người được giao trách nhiệm quản lý nhưng đã tìm cách vận dụng các kẽ hở pháp luật để gây thất thoát thì cần xử lý nghiêm cả dân sự và hình sự. Thời gian vừa qua, rất nhiều cá nhân đã bị xử lý bằng những vụ đại án và nhận được sự đồng tình của xã hội.
Thứ hai, đối với những nhà đầu tư cố tình lách luật cũng phải chịu hình phạt của luật pháp, đặc biệt họ phải chấp nhận rủi ro và thiệt hại kinh tế. Ngược lại, với những nhà đầu tư chân chính thì phải tạo điều kiện để họ thấy được lợi ích khi đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!