Từ sự hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn với doanh nghiệp, nhiều kỹ sư tốt nghiệp đã đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, làm việc tại một số tập đoàn trong và ngoài nước.
Phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn là một trong 5 nhiệm vụ chính của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh và ưu tiên đầu tư của Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, hiện nay ngành công nghiệp bán dẫn ở các nước phát triển đã đạt đến trình độ công nghệ cao. Là nước đi sau, Việt Nam rất khó để bắt kịp nên cần xác định ưu thế và lĩnh vực cạnh tranh. Đó chính là nguồn nhân lực với lợi thế về tỷ lệ dân số vàng, lao động trẻ sáng tạo, am hiểu công nghệ; cơ sở hạ tầng và cơ chế đầu tư thuận lợi cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Khai thác tốt lợi thế này, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trở thành động lực thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, với sự thiếu nhân lực tại nhiều quốc gia có ngành bán dẫn phát triển mang đến cơ hội để các lao động có trình độ của Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, tích luỹ nhiều kiến thức chuyên môn, quản lý, góp phần mở rộng quan hệ đối tác, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm năm 2030 và tầm nhìn 2050 xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cụ thể nhân lực trong công đoạn thiết kế và thiết kế vi mạch. Trong mục tiêu đạt được 50.000 nhân lực bán dẫn có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 15.000 nhân lực cho công đoạn thiết kế và thiết kế vi mạch; còn lại ở công đoạn khác.
Trước khi Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Vũ Quốc Huy cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc, phối hợp với doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới như Qorvo, Cadence, ARM, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley (Hoa Kỳ)… để cung cấp cho NIC các phần mềm, công cụ thiết kế phục vụ cho việc tổ chức đào tạo thiết kế vi mạch theo hình thức khác nhau.
Đến nay, NIC đã tiếp nhận khoảng 1.200 phần mềm, phân bổ và chia sẻ tới các trường đại học để đưa vào chương trình đào tạo chính quy. Ngoài ra, NIC phối hợp các trường tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn cho giảng viên, sinh viên, kỹ sư các ngành gần với bán dẫn để trang bị, kỹ năng, trình độ của công nghiệp bán dẫn.
Riêng các khoá đào tạo ngắn hạn tại NIC đã 3 khoá đào tạo được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 giảng viên và kỹ sư các ngành thiết kế vi mạch. Số học viên này đã tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ cho thấy hợp tác hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực bán dẫn.
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đóng vai trò trung tâm với sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ các khoá đào tạo đó, nhiều kỹ sư tốt nghiệp đã đáp ứng yêu cầu, được một số doanh nghiệp lớn nhận vào làm việc các cơ sở trong nước và nước ngoài.